Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, Trưởng đoàn giám sát đánh giá: Thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó huyện Cẩm Giàng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, huyện đã quan tâm chỉ đạo thực hiện, tuyên truyền và hướng dẫn để người dân nắm được.
Đoàn giám sát đánh giá cao sự linh hoạt của huyện, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền thực hiện các chính sách hỗ trợ. Các trưởng thôn, khu dân cư vào cuộc quyết liệt, nhiệt tình góp sức vào việc triển khai chính sách hỗ trợ. Huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập đoàn thẩm định hồ sơ, đoàn kiểm tra.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị huyện Cẩm Giàng cần đánh giá kỹ hơn tác động của dịch bệnh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua, tiếp tục quan tâm tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, quan tâm chăm lo người lao động gặp khó khăn, trẻ em, gia đình chính sách, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời, quan tâm triển khai các giải pháp kích cầu, phục hồi kinh tế năm 2022-2023…
Chia sẻ với những vướng mắc trong quá trình triển khai của địa phương, bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhìn nhận, qua giám sát một số địa phương cho thấy, mặc dù chính sách đưa ra kỳ vọng sẽ hỗ trợ được người dân và người lao động, nhưng thực tế số người bị ảnh hưởng nhiều nhưng số được nhận hỗ trợ còn ít, thủ tục giấy tờ còn rườm rà. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp nội dung này để báo cáo Quốc hội.
Năm 2021, huyện Cẩm Giàng ghi nhận 327 ca mắc COVID-19. Có thời điểm, dịch bệnh phức tạp, phải phong tỏa, cách ly y tế toàn huyện, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê và lập hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân huyện. Qua thống kê, có 165 lao động không có giao kết hợp đồng lao động; 7 hộ kinh doanh, trên 1.400 trẻ em là các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly y tế từ ngày 27/4 đủ điều kiện hỗ trợ.
Đến nay, huyện Cẩm Giàng đã chi trả tổng số trên 1,1 tỷ đồng, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Trong đó, huyện chi trả 425,7 triệu đồng cho 99 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; chi trả 145 triệu đồng cho 93 lao động ngừng việc; chi trả trên 315 triệu đồng cho 324 trường hợp F0, F1 và 48 triệu đồng cho 48 trẻ em là F0, F1 điều trị và cách ly y tế do huyện thành lập, quản lý; chi trả 33 triệu đồng cho trẻ em mắc COVID-19 hoặc đã hoàn thành cách ly y tế, chi trả gần 72 triệu đồng cho 85 người đã hoàn thành cách ly y tế. Huyện cũng đã chi trả hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh; chi trả 160,5 triệu đồng cho 107 lao động không có giao kết hợp đồng lao động và các đối tượng đặc thù khác.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Cẩm Giàng, trong quá trình triển khai chính sách vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc nghiên cứu văn bản, chuẩn bị hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Bên cạnh đó, quy định phòng, chống dịch một số địa phương còn chung chung, áp dụng vào các trường hợp cụ thể để xem xét thẩm định hồ sơ cho người lao động còn vướng mắc, chậm tiến độ hỗ trợ cho người lao động.