Giảm nhiều cấp trung gian
Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương (còn 249 tổ chức); tăng 7 cục (lên 126 cục); giảm 10 tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập (còn 100 tổ chức). Cơ cấu tổ chức cơ quan thuộc Chính phủ giảm 1 ban và tương đương (còn 52 ban); giảm 24 đơn vị sự nghiệp công lập (còn 142 đơn vị).
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở cấp tỉnh, khối cơ quan hành chính giảm 5 tổ chức (còn 1.180 cơ quan chuyên môn); cấp phòng giảm 973 tổ chức (còn 7.681 phòng); chi cục giảm 127 tổ chức (còn 950 chi cục); giảm 12 tổ chức hành chính khác thuộc Uỷ ban nhân dân (còn 130 tổ chức). Ở cấp huyện giảm 294 tổ chức (còn 8.526 cơ quan chuyên môn, trong đó có 278 Phòng Dân tộc).
Đã có 48.306 đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, giảm 3.819 đơn vị (tương ứng 7,33%). Trong đó, giảm 1.203 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở và tương đương (còn 9.034 tổ chức); giảm 54 đơn vị thuộc các tổ chức hành chính khác ở cấp tỉnh (còn 480 tổ chức); giảm 348 đơn vị thuộc chi cục và tương đương thuộc sở (còn 515 tổ chức); giảm 2.281 đơn vị thuộc UBND cấp huyện (còn 37.607 tổ chức).
Về thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đến ngày 20/6, Bộ Nội vụ đã nhận được văn bản của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, cấp tỉnh gồm: 12 tỉnh thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay có thêm 4 tỉnh đăng ký mới là Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, Đắk Nông. Trong đó, Quảng Ninh và Yên Bái đăng ký hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức, Đắk Nông đăng ký hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra.
Đăng ký hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng có 3 tỉnh là Cao Bằng, Yên Bái và Đắk Nông. Ở cấp huyện, đăng ký mới gồm Ninh Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Nội, Hậu Giang đăng ký thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại 9 huyện. Sáu địa phương gồm: Tiền Giang, Hải Dương, Kiên Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Hậu Giang đăng ký thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ tại 18 huyện. Sáu tỉnh gồm: Tiền Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Kiên Giang, Tuyên Quang, Hậu Giang đăng ký thực hiện hợp nhất Ủy ban kiểm tra với Thanh tra huyện tại 13 huyện.
Năm 2021 phải tiếp tục giảm trên 20.000 biên chế
Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm, Bộ Nôi vụ cho biết, trên cơ sở danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ thông qua, Bộ đang tổng hợp kết quả xây dựng bản mô tả và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức; xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm đối với viên chức (thuộc khối Chính phủ quản lý) và cán bộ, công chức cấp xã.
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành và địa phương (từ cấp huyện trở lên) năm 2020 là 251.135 biên chế, giảm 23.896 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 8,68%). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.834.724 người, giảm 150.040 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 7,56%).
Số người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 70.755 người, giảm 13.322 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 15,84%). Trong số này, các bộ, ngành Trung ương biên chế công chức là 108.368 người, giảm 10.284 người so với năm 2015 (giảm 8,68%); người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 131.344 người, giảm 27.347 người so với năm 2015 (giảm 17,23%); người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 8.914 người, giảm 2.483 người so với năm 2015 (giảm 21,79%).
Các địa phương có số biên chế công chức 142.767 người, giảm 13.612 người (giảm 8,7%) so với số giao năm 2015; số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập 1.703.380 người, giảm 122.693 người so với năm 2015 (giảm 6,72%); người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 61.841 người, giảm 10.839 người so với năm 2015, giảm 14,91%.
Cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố hiện là 1.031.851 người, giảm 147.290 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 12,49%). Trong đó, riêng số cán bộ, công chức cấp xã giảm do hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã là 9.534 người, giảm do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) là 20.864 người.
Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP từ năm 2015 đến ngày 20/6/2020 là 57.815 người; trong đó: Ở Trung ương là 4.546 người, địa phương là 53.269 người. Như vậy, biên chế do Chính phủ quản lý tính đến tháng 6/2020 đã giảm được 334.548 người, tương ứng giảm 94,34%. So với yêu cầu tại Kết luận số 17-KL/TW từ năm 2015 đến năm 2021 phải giảm 354.624 người thì năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người.
Nhiều chức danh được thi tuyển
Về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Kết luận số 202-TB/TW của Bộ Chính trị, đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo kết quả thực hiện thí điểm của 12/14 cơ quan Trung ương, trong đó, 12 cơ quan đã tổ chức thi 29 chức danh (42 ứng viên trúng tuyển: cấp vụ 30 ứng viên, cấp phòng 12 ứng viên); 4 cơ quan bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành kế hoạch và đang triển khai thực hiện.
Theo báo cáo tổng hợp từ 19/22 địa phương, có 17 địa phương đã tổ chức thực hiện thí điểm thi tuyển được 86 chức danh (368 ứng viên trúng tuyển: cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên); tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch và đang triển khai thực hiện; tỉnh Kiên Giang báo cáo xin chưa thực hiện thí điểm vì đang sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các địa phương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Ninh Thuận có trong danh sách thực hiện thí điểm nhưng chưa gửi Bộ Nội vụ kế hoạch và kết quả thực hiện. Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng đã được Bộ Nội vụ gửi đến Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị.
Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân theo quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp; việc tiếp nhận, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, nâng bậc lương, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật từng bước đi vào nền nếp.