Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ: Tinh giản biên chế phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ

Chiều 9/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban này nhằm đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua, cũng như thực hiện nhiệm vụ trong năm 2020.

Chú thích ảnh
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 15 tập trung triển khai các nội dung công tác, đạt nhiều kết quả, góp phần đổi mới, tinh gọn tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Đến nay, toàn thành phố đã có 11 quận, huyện, thị xã, 515/579 (88,9%) xã, phường, thị trấn và 3.520/7.527 (46,7%) thôn, tổ dân phố tiến hành sắp xếp xong vị trí hoạt động không chuyên trách. Thành phố cũng đã hoàn thành việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; sau sắp xếp giảm được 2.708 thôn, tổ dân phố (giảm 34%, từ 7.968 xuống còn 5.260 thôn, tổ dân phố). Đồng thời, thành phố rà soát, thống nhất danh sách đối tượng và hình thức xét tuyển đặc cách viên chức giáo dục theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ...

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung xem xét, kiểm điểm tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thành phố; các phường, xã, thị trấn; các thôn, tổ dân phố; sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở bảo trợ xã hội; sắp xếp ban quản lý dự án quy hoạch kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hà Nội.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao các cấp, các ngành đã phối hợp, kịp thời tham mưu thực hiện các phương án, mô hình đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đặc biệt, các cơ quan đơn vị đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Sau đổi mới, sắp xếp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên; chất lượng giải quyết công việc, phục vụ nhân dân của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngay cả trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhiệm vụ trọng tâm đột xuất như phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên địa bàn Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao việc nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý không đủ tuổi tái cử đã tự nguyện xin nghỉ sớm để tạo điều kiện sắp xếp, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là điều rất đáng mừng, cho thấy thành phố đã làm rất tốt công tác tư tưởng cho các cán bộ; việc này cần được phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, thành phố đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước từ 58,8% năm 2016 xuống còn 51,2% năm 2020; tiết kiệm chi thường xuyên hơn 13.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2020, tạo thêm nguồn cho cải cách tiền lương và tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố. Ban Chỉ đạo tập trung rà soát, đánh giá tình hình, kết quả các công tác; trọng tâm là xem xét, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan.

Trong đó, Ban Chỉ đạo cần rà soát thêm kết quả sắp xếp tinh giản biên chế các khối; quan tâm giải quyết chính sách cho cán bộ sau sắp xếp; rà soát kỹ việc sắp xếp, thu hồi các cơ sở nhà đất; đưa việc sắp xếp kiện toàn các cơ quan báo chí theo quy hoạch vào kế hoạch công tác, kiểm điểm công tác hằng quý; thực hiện tốt các đề án, kế hoạch sắp xếp, thí điểm đã được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành, hoàn thiện các đề án, kế hoạch đang xây dựng; tiếp tục nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng kế hoạch chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, thành các công ty cổ phần ngay cả đối với bệnh viện, trường học thuộc các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa...

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế phải gắn với triển khai hiệu quả đề án vị trí việc làm. Tinh giản không chỉ là giảm đơn thuần về số lượng mà phải chú trọng để chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao và trong quá trình triển khai cần đề cao tinh thần trách nhiệm, công tâm và minh bạch.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa quyết liệt
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa quyết liệt

Theo báo cáo Bộ Nội vụ gửi Quốc hội, đến nay, có 40.500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp) của các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN