Bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) điểm lại những thành tựu như: Hầu hết các khoản thu ngân sách đạt và vượt dự toán. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các nhiệm vụ chi được đáp ứng, xã hội ổn định...
Tuy nhiên, theo đại biểu, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 còn nhiều hạn chế. Tăng trưởng GDP cao nhưng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chưa đạt mục tiêu, chưa tương xứng với mức độ tăng trưởng kinh tế. Thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ các nguồn thu có liên quan tới đất. Một số khoản thu không đạt dự toán. Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn cao. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...
Từ những thực tế đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất một số kiến nghị, trong đó có việc làm rõ nguyên nhân về chỉ tiêu tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu năm 2023. Đồng thời, đại biểu cũng đặt câu hỏi về biện pháp giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng còn lại của năm 2022 để tăng từ 46,7% lên 96% kế hoạch được giao và đề nghị làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại năm 2022, ước chỉ đạt 1 tỷ USD trong khi xuất siêu đến cuối tháng 10 đạt trên 7 tỷ USD.
Thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2022, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả đáng ghi nhận. Song đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều và bền vững. Đại biểu cho biết, cử tri phản ánh giá đầu vào sản xuất chưa ổn định, giá vật tư tăng cao, thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp phân quyền, chủ động nắm bắt tình hình, có biện pháp chỉ đạo, điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định giá cả hàng hóa, nâng cao đời sống người dân.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm quan tâm xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục theo hướng phù hợp hơn. Theo đó, đối với ngành giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông, hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và rất khó khăn cho ngành giáo dục. Đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định với tinh thần: Có học sinh, có lớp học thì phải có đủ giáo viên.
Cùng chung mối quan tâm với đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, vấn đề thiếu giáo viên đã được các đại biểu đề cập và thảo luận từ nhiều kỳ họp trước và cả kỳ họp lần này, do đây là nội dung ngày càng bức thiết. Đại biểu nêu thực tế, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai với nhiều môn học mới, nhưng chưa được bố trí đội ngũ giáo viên, đồng thời số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch COVID-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Đại biểu đánh giá cao Chính phủ mới đây đã bổ sung 65.000 chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương để triển khai các nhiệm vụ năm học mới. Tuy nhiên, số chỉ tiêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thiếu giáo viên ở các địa phương, đặc biệt là đô thị lớn, thiếu nhiều giáo viên như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Về nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu phân tích, nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự chủ động trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, lực lượng giáo viên đang làm hợp đồng tại các cơ sở giáo dục hoặc sinh viên đã được đào tạo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019. Do vậy, đối tượng này không đủ điều kiện tuyển dụng mặc dù địa phương đang rất thiếu giáo viên, có chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo đại biểu, một nguyên nhân khác là do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục."Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề nhà giáo. Đặc biệt là giáo viên mầm non, điều này có thể dẫn đến hệ lụy lớn cho tương lai phát triển của đất nước”, đại biểu Dương Minh Ánh lo ngại.
Từ những vấn đề trên, đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo, nghiên cứu sớm đưa luật về nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội, thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét để bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương. Để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời cho chương trình giáo dục sách giáo khoa mới, đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương được tuyển dụng đội ngũ giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định mới có cơ hội được tuyển dụng trong thời gian tới đây. Trong quá trình từ nay đến năm 2030, các giáo viên đó sẽ phải tự hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, trong khi chờ xây dựng luật về nhà giáo, đại biểu đề xuất Chính phủ nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối với nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo an tâm công tác và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.