Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Hội thảo nhằm triển khai chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần quan tâm đến xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ gia đình người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó thống nhất nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, thực hiện phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống và phát triển giáo dục, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…
Về lâu dài, các tỉnh cần huy động mọi nguồn lực, đầu tư trọng điểm, thực hiện kinh phí công khai, minh bạch để phát triển vùng dân tộc thiểu số. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay để đồng bào phát triển sản xuất. UBND các tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chăm lo hơn nữa việc quy hoạch đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực tại các địa bàn và đưa cán bộ từ miền xuôi lên công tác lâu dài; tăng cường nguồn cán bộ được đào tạo cơ bản hướng về cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính trị, công tác quốc phòng - an ninh, biên giới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới. Các bộ, ngành Trung ương cũng cần quan tâm đến các đồng bào dân tộc còn rất ít người, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo công tác phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số; tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng là người dân tộc thiểu số tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều báo cáo, tham luận, trong đó nhấn mạnh vào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các vấn đề về an sinh xã hội cần quan tâm khi triển khai các chương trình, dự án tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt, quan tâm đến giải pháp hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề cho thanh niên vùng miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết: Hội thảo là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là đối với 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thông qua hội thảo, trên cơ sở trao đổi, làm rõ thêm những kết quả, hạn chế, tồn tại đã và đang thực hiện, Thanh Hóa rút ra được nhiều bài học và sẽ đạt được nhiều thành tích, kết quả mới trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cũng theo ông Đỗ Trọng Hưng, với sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh bạn, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 131.199 tỷ đồng và đứng thứ 8 trên cả nước. Ngay sau khi Chính phủ dừng giãn cách xã hội do dịch COVID-19, Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 với 34 dự án với tổng mức đầu tư là 12,5 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ đầu tư; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 28.967 tỷ đồng, các hoạt động văn hóa xã hội có chuyển biến, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo.
Dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tặng mỗi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh 300 suất học bổng với tổng trị giá 900 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam tặng mỗi tỉnh 300 suất quà cho đảng viên cao tuổi tiêu biểu và 100 các hộ dân nghèo trên địa bàn 3 tỉnh.