Giải bài toán an toàn thực phẩm: Bài 1 - Cuộc 'tự sát' tập thể

Trong rất nhiều nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dành hẳn ngày 5/6 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Nội dung bàn thảo về chủ đề này được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng bức xúc và trở thành mối quan tâm chung của tất cả mọi người.

Ngày 2/6/2017, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành đưa đi tiêu huỷ gần 1,4 tấn thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc theo quy định. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

An toàn thực phẩm là vấn đề không mới, thậm chí rất cũ, “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi…”. Nhưng nó chưa bao giờ hết nóng, thậm chí càng ngày càng nóng. Nóng đến mức, tại bàn nghị sự của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, một đại biểu đã phải thốt lên: "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế".

Có người còn khái quát, ma trận thực phẩm ở nước ta hiện nay giống như một cuộc tự sát tập thể; bởi nó không chỉ là “cuộc tự sát” của người ăn, mà còn là của cả người bán, người sản xuất và nói chung là… toàn xã hội.

Quả thực, sự an toàn trên mâm cơm ngày càng trở thành nỗi canh cánh của mỗi gia đình. Thực phẩm bẩn tràn lan, từ mớ rau, con cá tồn dư kháng sinh và chất bảo vệ thực vật, thịt siêu tăng trọng, giò hàn the, bánh phở formol, hoa quả ngâm chất bảo quản… vân vân và vân vân. Đủ các loại chất độc, từ các chất bị cấm dùng trong thực phẩm đến cả những chất chưa thể xác định được đưa vào sản xuất để tăng năng suất cho vật nuôi, cây trồng, để bảo quản dài ngày và cả để tạo hương vị, màu sắc bắt mắt… bất chấp sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dùng.

Quá biết điều đó, nhưng mọi người chúng ta không thể không dùng, bởi không ai có thể sống mà không ăn. Nhiều người ở thành phố quay trở lại “nền kinh tế tự túc tự cấp” bằng cách trồng rau sạch trên sân thượng, hoặc tranh thủ mỗi lần về nông thôn lại khuân cả xe rau ra thành phố… Nhưng họ cũng chỉ bảo đảm được một bữa, một ngày, một tuần… chứ không thể duy trì được trong tất cả các bữa ăn; lại cũng có thể chỉ “an toàn” được lá rau, cân thịt, con cá chứ không thể “bao cấp” được cho toàn bộ thực phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Thế là, biết độc mà ai cũng vẫn cứ phải ăn. Hậu quả nhãn tiền, sức khỏe suy giảm, bệnh tật ngày càng nhiều và nguy hiểm, nhất là ung thư kéo theo sự quá tải của ngành y tế và sự kiệt quệ của từng gia đình do mất người lao động và do phải chạy chữa bệnh.

Đó là cuộc tự sát thứ nhất!

Thực ra, thực phẩm bẩn không chỉ tác động đến người ăn, nó tác động trực tiếp đến ngay cả người sản xuất. Trước khi chất bảo vệ thực vật ngấm vào rau quả và đi đến dạ dày của người dùng thì các loại thuốc trừ sâu được sử dụng một cách vô tội vạ này đã đi vào phổi gây hại cho chính người sử dụng thuốc.

Không những thế, hóa chất phát tán trong không khí trực tiếp đầu độc cả môi trường làng quê vốn xưa nay vẫn được coi là trong lành. Chưa hết, thuốc trong những bao bì vứt bừa bãi và lượng thuốc tồn dư ngấm vào đất, trôi theo các cơn mưa lại đầu độc nguồn nước… làm cho môi trường các vùng quê chưa bao giờ ô nhiễm như hiện nay.

Chưa có cuộc khảo sát cụ thể, kỹ càng nhưng mọi người đều dễ dàng nhận ra các bệnh nan y, nhất là ung thư chưa bao giờ lại xuất hiện ở nông thôn nhiều như bây giờ.

Không chỉ tác động đến sức khỏe, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tiêu diệt ngay nguồn sống của người nông dân. Đơn cử, cứ mỗi lần có sự phát hiện về một loại “thực phẩm bẩn” nào đó là người tiêu dùng lại cảnh giác, dẫn đến tẩy chay một loại thực phẩm hay một sản phẩm của một vùng miền nào đó. Sự tẩy chay ấy nhẹ thì gây thiệt hại trước mắt về kinh tế, nặng hơn thì làm tổn hại cả một thương hiệu, thậm chí có thể làm phá sản cả một làng nghề hay thậm chí cả một nghề.

Nguy hiểm hơn, khi đã mất lòng tin đối với thực phẩm trong nước, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua thực phẩm ngoại nhập. Điều đó đã được chứng mình bằng lượng thực phẩm ngoại nhập vào trong nước ngày càng nhiều. Lâu dần, điều này sẽ bóp chết sản xuất trong nước và người “chết” đầu tiên không ai khác chính là nông dân.

Đó là cuộc tự sát thứ hai!

Thế nhưng, trong ma trận thực phẩm này hiện cũng tồn tại một nghịch lý: Nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao, nhưng người sản xuất rau sạch lại khó có đất sống. Bởi đầu tư trồng rau sạch chi phí cao hơn rau thông thường, nhưng khi tiêu thụ lại khó bán giá cao hơn vì người mua không dễ gì phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không sạch. Vì vậy, không ít dự án trồng rau sạch bị phá sản.

Tương tự như thế, đã có thời gian xuất hiện nhiều cửa hàng bán rau sạch, nhưng hoặc vì làm ăn không đứng đắn trà trộn rau không sạch, hoặc cũng chỉ vì “không thể phân biệt được đâu là rau sạch” nên người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại. Vì vậy, các cửa hàng này cũng nhanh chóng lâm vào phá sản.

Khi người tiêu dùng không còn tin tưởng ở hệ thống lưu thông, trong đó có ngành bán lẻ nữa thì hoặc là người tiêu dùng sẽ tìm cách “mua tận gốc”, hoặc là người sản xuất sẽ tìm cách “bán tận ngọn” mà việc tập đoàn VINGROUP “bao sân” từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ rau sạch là một minh chứng. Cộng thêm việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam thì tất yếu hệ thống thương mại trong nước sẽ bị đe dọa, nếu không muốn nói là tê liệt hay phá sản.

Đó là cuộc tự sát thứ ba!

Người sản xuất thì thiệt thòi, nhiều người bán ít người mua; người cần thì lại không biết mua ở đâu. Cuối cùng cả ba bên đều lâm vào ngõ cụt mà chẳng biết kêu ai.

Từ những điều phân tích ở trên, nếu có nói, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay giống như ma trận và ma trận ấy tất yếu dẫn đến “cuộc tự sát tập thể” quả cũng không ngoa. Và đây cũng có thể coi là cái vòng luẩn quẩn khiến việc giải bài toán an toàn thực phẩm ngày càng lúng túng.

Như vậy, câu chuyện an toàn thực phẩm không còn là trên bàn ăn nữa mà nó liên quan đến sức khỏe và sinh mạng người dân, đến giống nòi và tương lai dân tộc. Đồng thời nó cũng liên quan đến chiến lược và sự ổn định kinh tế - xã hội, trong đó bao quát một bộ phận rộng lớn và quan trọng là nông nghiệp và nông dân, đến hệ thống lưu thông trong nền kinh tế. Đó là vấn đề quốc gia đại sự đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống, trước tiên là các ngành chức năng...

(Còn tiếp)

Bùi Văn Doanh (TTXVN)
Sản xuất quy mô nhỏ nên khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm bẩn
Sản xuất quy mô nhỏ nên khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm bẩn

Ngày 5/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến về vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN