Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, với tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tháng 5/1955, Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Dân tộc Trung ương. Đến năm 1960, để đáp ứng tình hình mới, Trường Dân tộc Trung ương được chia tách thành Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và Trường Dân tộc Trung ương.
Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đóng tại Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình), do Ban Dân tộc Trung ương (nay là Ủy ban Dân tộc) quản lý (Trường Dân tộc Trung ương trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, sơ tán nhiều địa điểm, Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đã nuôi dưỡng, đào tạo hàng nghìn cán bộ, bộ đội, dân chính đảng, trong đó có hơn 2.000 con em các dân tộc miền Nam tập kết ra Bắc. Hầu hết trong số này đều đến từ vùng sâu, vùng xa, miền núi vô cùng khó khăn từ vỹ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị) trở vào.
Tại buổi gặp, ông K’sor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, cựu học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, đã xúc động ôn lại những kỉ niệm khó quên của cán bộ, học sinh miền Nam đã được học tập tại Trường Cán bộ dân tộc miền Nam.
Ông chia sẻ: Học sinh khi nhập Trường hầu hết chưa biết chữ và biết tiếng phổ thông, nhiều điều còn bỡ ngỡ, thiếu thốn tình cảm vì xa quê hương, xa gia đình. Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Ban Dân tộc Trung ương, đội ngũ giáo viên và học sinh Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đã vượt khó học tập. Rất nhiều học sinh của Trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của Trung ương và các địa phương, đóng góp cho sự phát triển của vùng DTTS và miền núi nói riêng, đất nước nói chung.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, vừa qua, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Quốc hội đã có Nghị quyết 88 phê duyệt Đề án này; theo đó sẽ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi. Một nội dung quan trọng của Đề án là tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt kỷ niệm lần này, đoàn cực giáo viên, học sinh đã đi thăm và cùng ôn lại kỷ niệm tại Trường Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực I; và sáng ngày mai (5/12), đoàn sẽ về thăm thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), nơi vào năm 1964, trường đã sơ tán lên đây.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi gặp mặt.