Gần 30 ngày, Việt Nam không có ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng, ngành y tế sớm đề xuất việc công bố hết dịch

Có thể nói, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong gần một tháng qua. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao ngành y tế, các cấp, các ngành trong vấn đề phòng, chống, điều trị COVID-19 để không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

29 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng

Đến 18 giờ ngày 15/5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là hành khách từ Dubai về đã được cách ly. Hiện tổng số ca mắc của Việt Nam là 313 trường hợp. Ca bệnh số 313 (BN313) là bệnh nhân nam, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Yên Thành, Nghệ An. Bệnh nhân từ Dubai-UAE về Việt Nam ngày 3/5/2020 trên chuyến bay VN0088, số ghế 51K. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng, sức khỏe ổn định và được cách ly tại khu cách ly tập trung Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu.

Chú thích ảnh
Các lực lượng chuyên môn tiến hành kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc ban đầu cho 116 công dân Việt Nam trở về từ Philippines. Ảnh: Chương Đài/TTXVN.

Trong lần lấy mẫu xét nghiệm ngày 13/5 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Theo thông báo từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ca dương tính với virus SARS-CoV-2 này là một trong số hành khách về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN008 từ Dubai, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Cần Thơ ngày 3/5.

Hành khách này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Tính đến hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 313 ca mắc COVID-19, đã có 29 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 12.236 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 353 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.492 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 3.391 trường hợp. Như vậy Việt Nam tiếp tục thành công bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế.

Quyết không để dịch bệnh quay trở lại

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã kiểm soát tốt dịch bệnh; các lực lượng quốc phòng đã thực hiện hiệu quả công tác cách ly tập trung các trường hợp nhập cảnh, không để lây nhiễm ra cộng đồng; ngành giáo dục đã tổ chức tốt việc cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn...

Chú thích ảnh
Các bác sĩ chúc mừng bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ngày 14/5. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân.

Các lực lượng y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay trở lại. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; chưa mở cửa du lịch quốc tế. Các ngành quân đội, công an, y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập cảnh nhưng phải thực hiện cách ly phù hợp. Tiếp tục quản lý chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt Nam đang ở nước ngoài chưa về nước, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại; chỉ xem xét cho về nước đối với các trường hợp đặc biệt như học sinh dưới 18 tuổi, người đi khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn; công bố tiêu chí được về nước và chủ trì, tổ chức tốt việc đưa công dân Việt Nam về nước theo lộ trình phù hợp, công khai, minh bạch.  

Ngành y tế, nhất là y tế công và các các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì các nhóm trực, phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ công nghệ phục vụ phòng, chống dịch như Bluezone, nCoV…; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu về thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh, hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19, lập hồ sơ sức khỏe người dân.

Tiếp tục khóa chặt từ bên ngoài

Sau khi xem xét ý kiến của Ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Đây chính là điều kiện để chúng ta thu hút đầu tư phát triển. Tuy nhiên, không được mất cảnh giác khi dịch bệnh còn lây nhiễm ở nhiều nước và chưa có vaccine, thuốc đặc trị. Các cơ quan chức năng tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nhất là chế độ trực của ngành y tế, để khi có trường hợp phức tạp xảy ra thì kịp thời xử lý tốt nhất.

Chú thích ảnh
Tỉnh Thái Bình khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

Chính vì vậy để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa, đó là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, ổn định trạng thái bình thường mới cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành thực hiện một số nhiệm vụ, trước hết là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa cho phép nhập cảnh với khách du lịch, chỉ cấp visa đối với trường hợp như là các nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại Đại sứ quán các nước và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ. Ngành y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, duy trì các nhóm thông tin phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly dập dịch kịp thời.

Trên tinh thần là Việt Nam không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, các cấp, các ngành, các nhà máy công ty, đơn vị và người dân đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa và ngành du lịch cũng như ngành ngoại giao tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác mà đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua. Trong từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL sẽ báo cáo lên Thủ tướng để xem xét.

Tiếp tục thu hút các dòng đầu tư, có hình thức xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam để phát triển, đầu tư, làm ăn lâu dài có hiệu quả. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu bộ kit thử.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thành quả cũng như những kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19. Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo có biện pháp tổng kết một bước, đề xuất khen thưởng kịp thời cho các cấp, các ngành, cá nhân và đơn vị liên quan đã có nhiều thành tích trong phòng chống COVID-19. Giờ đây, các lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch như y tế, quân đội, công an không được lơ là, đặc biệt các địa phương trọng điểm, đông người.

Tuy không còn lây nhiễm trong cộng đồng suốt 1 tháng qua, nhưng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng. Theo đó, ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu về thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt việc cách ly tập trung, xử lý nghiêm trường hợp tung tin đồn thất thiệt.

Các ngành, các địa phương thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, đặc biệt là chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng chặt chẽ đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật, các đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị có chiến lược phòng chống dịch mới, vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế. Khi chưa có vaccine, có nghĩa là phòng, chống COVID-19 phải được xem là chiến lược lâu dài.

Sớm đề xuất việc công bố hết dịch

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch và chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng bảo đảm chặt chẽ trong thực hiện cách ly y tế đối với các chuyên gia, công nhân tay nghề cao, nhà quản lý được nhập cảnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời thực hiện gói an sinh xã hội, bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, trục lợi chính sách; biểu dương các tấm gương tốt nhường phần được hỗ trợ cho người khó khăn hơn. Đại diện chính quyền không được ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu; lưu ý đẩy mạnh xuất khẩu các hàng hóa là thiết bị y tế, khẩu trang, KIT xét nghiệm virus SARS-CoV2.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch, trong đó tài trợ, hỗ trợ thiết bị y tế, khẩu trang, KIT xét nghiệm, máy thở… cho các nước phòng, chống dịch COVID-19, trước hết là các nước ở Châu Phi, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa.

Đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa

Chú thích ảnh
Từ ngày 15/5/2020, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã quyết định hoạt động trở lại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.

Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan xúc tiến quảng bá du lịch, chuẩn bị các việc cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết là từ các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh; nghiên cứu đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức thực hiện phong trào vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực cho phòng, chống dịch đạt hiệu quả tốt và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Giao Bộ Y tế thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn xem xét, có phương án xử lý cụ thể, bảo đảm công khai, công bằng trong phân bổ, sử dụng khoản kinh phí ủng hộ cho phòng, chống dịch, trong đó có dành một phần để hỗ trợ cho bà con Việt kiều đang rất khó khăn tại một số nước trong đó có Lào và Campuchia.

Thủ tướng đồng ý tiếp tục giãn hơn các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Thường trực Chính phủ sẽ định kỳ họp với Ban chỉ đạo khoảng gần 1-2 tuần/lần để quyết định các vấn đề lớn phát sinh.

V.T/Báo Tin tức
Việt Nam ghi nhận 313 ca mắc COVID-19
Việt Nam ghi nhận 313 ca mắc COVID-19

Tính đến 18h ngày 15/5, Việt Nam đã ghi nhận 313 ca mắc COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN