Ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn
Ông Phạm Lượng, Giám đốc Công ty Cổ phần VRO Thăng Long hy vọng với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được "ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn".
Ông Phạm Lượng bày tỏ, đường sắt tốc độ cao đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Một số nước đã thành lập liên danh với nước ngoài để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao, sau đó tự phát triển công nghệ của mình. Lào đã gây ngạc nhiên cho thế giới khi đưa vào sử dụng hệ thống tàu đường sắt tốc độ cao rất hiện đại, rút ngắn quãng đường từ Viêng Chăn tới biên giới Trung Quốc chỉ 3 giờ thay vì 2 ngày như trước. Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, giao thông vận tải phải đi trước mở đường kích hoạt “huyết mạch” nền kinh tế. Do đó Việt Nam cần có những quyết sách, hành động mạnh mẽ để phát triển giao thông vận tải, trong đó có đường sắt tốc độ cao.
“Tôi mong muốn khi đường sắt tốc độ cao được triển khai đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, tính khả thi và nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí”, ông Phạm Lượng nhấn mạnh.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
Theo Thạc sĩ Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xác định điểm đầu nằm tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Điều Hà Nội phải làm trước tiên là khớp nối quy hoạch riêng với quy hoạch chung mạng lưới đường sắt; xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực phát triển xung quanh ga Ngọc Hồi. Thành phố đã đưa các nội dung này vào Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô về cơ bản đã đồng bộ với quy hoạch vùng và mạng lưới đường sắt quốc gia để có cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết.
Ông Lê Trung Hiếu đánh giá, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo tăng trưởng đột phá cho kinh tế của cả nước, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố mà tuyến đường đi qua và cả những tỉnh, thành phố lân cận cũng sẽ được hưởng lợi. Việc kết nối hành khách, hàng hóa sẽ mạnh mẽ, liên tục hơn, tạo nên những luồng lưu thông lớn, ổn định, nhanh chóng. Từ đó sản sinh ra lợi nhuận dịch vụ và điều kiện để phát triển đô thị cũng như công nghiệp, kích thích tăng trưởng GDP cho Hà Nội cũng như cả nước.
Với tuyến đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là vị thế điểm đầu, Hà Nội có rất nhiều lợi ích. Khu vực đô thị cửa ngõ phía Nam Thủ đô sẽ có cơ hội bứt phá nhanh, quan trọng hơn đây còn là cơ hội để Hà Nội cùng cả nước phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm, làm giàu cho xã hội. Đặc biệt, sau khi đưa đường sắt tốc độ cao vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế - xã hội cả nước. Với Hà Nội, dự án sẽ là động lực để phát triển đô thị khu vực quanh nhà ga đường sắt cao tốc, là điều kiện để xây dựng mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng giúp tối ưu hóa không gian và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Quá trình từ khi xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì sẽ cần đến linh kiện, phụ kiện, máy móc, các sản phẩm phục vụ logistics…Với quy mô lớn dự kiến 250 ha, đảm nhiệm điểm đầu cho cả ba loại hình đường sắt, nếu được đầu tư đúng hướng, bài bản, Tổ hợp ga Ngọc Hồi và đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ trở thành một đô thị công nghiệp với hai thế mạnh nhất là logistics và công nghiệp phụ trợ.