Đường sắt tốc độ cao sẽ tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư cho các địa phương

Ngày 30/11, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Việc đầu tư Dự án là phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt, quy hoạch của các ngành, địa phương có liên quan.

Chú thích ảnh
Chuyến tàu Bắc - Nam xuất phát tại ga Hà Nội. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

"Thỏi nam châm" thu hút đầu tư

Trước sự kiện trên, các cử tri trên địa bàn tỉnh Nghệ An bày tỏ vui mừng, phấn khởi, bởi dự án đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả nước nói chung và của Nghệ An nói riêng.

Cử tri Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho biết: dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam qua tỉnh Nghệ An có chiều dài 85,5 km, đi qua 5 huyện, thành, thị gồm: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

Dự kiến ga Vinh trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Đây là 1 trong 5 ga chính trên toàn tuyến và sẽ có depot.

Ga nằm trong khoảng giữa đường cao tốc và đường tránh Vinh; đồng thời, nằm trong khoảng giữa Quốc lộ 46 và đường 72m, thuộc địa phận xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Đây là khu vực đầu mối, gắn kết nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu vực này cũng gần với nút giao lên xuống giữa đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 46, cách ga Vinh hiện tại khoảng 4,7km.

Từ vị trí đặt nhà ga đường sắt cao tốc, hành khách có thể di chuyển vào trung tâm thành phố Vinh và đi thẳng xuống Cửa Lò theo đường 72m hoặc theo Quốc lộ 46. Qua đó Dự án sẽ góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tái cấu trúc các đô thị; phân bố dân cư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An cho biết: Dự kiến ga Vinh trên tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ được đặt tại xã Hưng Tây, gần với Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Hiện nay, trong khu công nghiệp đã thu hút được 50 dự án, trong đó có 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 1,809 tỷ USD. Bước đầu, các dự án đã tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động trong và ngoài địa phương. Dự kiến khi toàn bộ các nhà máy trong khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động. Theo đó, nhu cầu đi lại của cán bộ, công nhân viên và các chuyên gia là rất lớn. Việc ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đặt gần khu công nghiệp VSIP sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đi lại của cán bộ, công nhân viên và chuyên gia của khu công nghiệp.

Đặc biệt việc di chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội chỉ mất không đến 1 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt tốc độ cao này đặt gần khu công nghiệp VSIP (khoảng 200m) cũng tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Khi tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đi vào hoạt động cũng giúp ích rất lớn cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp này đến các tỉnh, thành khác.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung thêm 1 ga hành khách giữa ga Vinh và ga Thanh Hóa. Ga có thể đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) hoặc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), nhằm tạo động lực phát triển của liên kết vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, khoảng cách giữa 2 ga Thanh Hóa và ga Vinh hiện nay là khoảng 130km, gần gấp đôi khoảng cách bình quân của 1 ga trên toàn tuyến là 67km, nên việc bổ sung thêm 1 ga hành khách giữa ga Vinh và ga Thanh Hóa là cần thiết.

Tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội 

Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thông qua dự án có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới. Những ưu điểm của phương tiện đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam sẽ góp phần giải quyết những vấn đề đang tồn tại như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông, lãng phí thời gian đi lại… Hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được triển khai và hoàn thành sẽ góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho các hoạt động về thương mại, kinh tế và du lịch của đất nước, nhất là các địa phương có tuyến đường sắt đi qua. 

Tiến sĩ Trần Quang Thắng nhận xét, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam dự kiến đi qua những địa điểm trọng yếu, đông dân cư sẽ nâng tầm giá trị, thu hút đầu tư cho các địa phương này. Dự án thiết kế xây dựng có các ga hàng hóa cho thấy bên cạnh mục tiêu vận chuyển hành khách, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển logictis, lưu thông hàng hóa, phục vụ cho sự phát triển kinh tế không chỉ một địa phương mà còn cả một vùng và lớn hơn là cả nước. 

Cùng với những dự án Metro hay các tuyến giao thông như đường Vành đai 3,4 đang được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam với điểm cuối tại Thành phố sẽ là một điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mô hình phát triển TOD (Transit Oriented Development), mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và cả vùng Nam Bộ, hướng tới xây dựng một không gian sống văn minh, hiện đại, phục vụ tốt cho đời sống người dân Thành phố.

Theo Tiến sỹ Trần Quang Thắng, với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 67 tỷ USD, dự án rất được người dân mong đợi, bởi những lợi ích thiết thực rõ ràng của nó đối với sự phát triển kinh tế đất nước cũng như đời sống nhân dân. Mặc dù Dự án thiết kế xây dựng theo hình thức đầu tư công, nhưng rõ ràng để tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sớm trở thành hiện thực rất cần sự cộng hưởng sức mạnh của toàn xã hội để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai như giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực, nhất là có tri thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. 

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, đánh giá cao ý nghĩa việc Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Ông Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, sự cần thiết và lợi ích của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mang lại cho sự phát triển của đất nước sau khi xây dựng đã được các nhà khoa học, chuyên gia và người dân đánh giá rất nhiều. Điều quan trọng là nghiên cứu để triển khai tuyến đường sao cho nhanh nhất, đúng với kế hoạch và khi đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao nhất, đúng với mục đích Dự án đề ra, ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Với tư cách là một cử tri Thành phố và là một nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, Tiến sỹ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để nâng cao hiệu quả của Dự án, rất cần sự phối hợp giữa các ngành, địa phương nơi có Dự án chạy qua trong phát triển quy hoạch đô thị. Trong đó, hệ thống ga đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam có sự tương tác, kết nối với hệ thống giao thông công cộng đến các khu vực nội thành đô thị để tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của đô thị và khu vực lân cận; kết nối với hệ thống hạ tầng vùng đô thị và với các hạ tầng trọng điểm (sân bay, cảng biển, đường sắt không cao tốc, mạng lưới đường bộ cao tốc và quốc lộ, …) của các tỉnh thành dọc theo Dự án.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, từ thực tiễn quốc tế cho thấy, các ga đường sắt tốc độ cao sẽ không chỉ là điểm trung chuyển đến đô thị (transfer points) mà cần được xây dựng trở thành một điểm đến (destinations) với đầy đủ tiện ích phục vụ du lịch, tiện ích hạ tầng xã hội và nơi làm việc gắn với khu dân cư.

Bên cạnh đó, việc phát triển giao thông theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), trong đó có việc phát triển các khu đô thị đường sắt gắn kết với các ga đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam trong tương lai sẽ đem lại nguồn thu ngân sách rất lớn, có thể hoàn lại chi phí ứng trước cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Nâng cao hiệu quả kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm

Chiều 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Cử tri Đà Nẵng kỳ vọng tuyến đường sắt với tốc độ cao 350km/h sẽ giúp thành phố Đà Nẵng kết nối thuận tiện hơn với 2 đầu đất nước, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân Đà Nẵng.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho thành phố Đà Nẵng. Theo Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Đông Á Ngô Thị Sa Ly, dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng mà còn nâng cao hiệu quả kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm. Việc rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ góp phần giảm chi phí logistics, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ mở ra cơ hội to lớn để Đà Nẵng hiện thực hóa chiến lược trở thành trung tâm logistics quốc tế. Việc kết nối nhanh chóng với các vùng kinh tế khác sẽ giúp Đà Nẵng thu hút đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics và các ngành dịch vụ liên quan. Đồng thời, ngành du lịch của thành phố sẽ được hưởng lợi khi thu hút thêm lượng khách nội địa và quốc tế nhờ khả năng di chuyển thuận tiện. Điều này không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố vai trò của Đà Nẵng như một điểm đến chiến lược trong mạng lưới giao thông và thương mại toàn cầu.

Còn theo ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa bàn thành phố sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghiệp và công nghệ cao của khu vực.

Cụ thể, ông Vũ Quang Hùng cho rằng, khi hình thành, đường sắt tốc độ cao sẽ kết nối nhanh chóng giữa Đà Nẵng và các trung tâm công nghiệp lớn khác trên tuyến Bắc-Nam, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, việc cải thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông hiện đại sẽ thu hút nhân tài và các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Đà Nẵng, tạo nên môi trường nghiên cứu và phát triển thuận lợi. Đường sắt tốc độ cao cũng giúp kết nối nhanh chóng giữa Đà Nẵng và các trung tâm nghiên cứu, đại học hàng đầu cả nước, thúc đẩy hợp tác và phát triển các dự án công nghệ mới. Lĩnh vực logistics sẽ giảm thiểu chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng trong tương lai.

Ông Vũ Quang Hùng cũng cho rằng, tuyến đường sắt khi đi vào sử dụng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông. Sự phát triển của đường sắt tốc độ cao sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển bền vững, tạo ra một hệ thống giao thông hiện đại và hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đi qua Đà Nẵng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn hỗ trợ phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng trong tương lai. Dự án sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố Đà Nẵng.

TTXVN/Báo Tin tức
Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

Chiều 30/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với 443/454 (chiếm 92,48%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN