Trong những ngày qua, ông Trương Văn Hạnh, cư ngụ tại ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang như ngồi trên đống lửa.
Thu hoạch lúa Hè Thu sớm trên cánh đồng ấp 6, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Hết ra đồng nhìn thửa ruộng 2 ha chín đang oằn mình dưới những trận mưa đầu mùa, có những trà lúa không chịu nổi mưa gió đã đổ ngã, rồi lại đi vào điện thoại cho ông Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành để hỏi về giá thu mua lúa của Công ty Tân Thành.
Ông Lê Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam) cũng không hơn gì bởi ông cũng có 0,5 ha đất trồng lúa Hè Thu nằm trong tình trạng như ông Hạnh, chưa kể áp lực của các thành viên mà ông đang phải gánh.
Sở dĩ ông Trương Văn Hạnh và các thành viên hợp tác xã chưa thể thu hoạch do phải chờ Công ty Tân Thành (Cần Thơ) chốt giá tiêu thụ theo thỏa thuận liên kết sản xuất giữa Công ty Tân Thành và Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy).
Ông Lê Văn Chữ cho biết, căn cứ hợp đồng giữa Hợp tác xã với Công ty Tân Thành thì trong vụ Hè Thu sớm 2016, có 30 hộ thành viên với diện tích 32 ha canh tác giống OM 5451 theo qui trình GlobalGAP được doanh nghiệp bao tiêu.
Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày, Công ty Tân Thành chốt giá thu mua với các hộ trên nguyên tắc bằng với giá thị trường cộng thêm 200 đ/kg. Tuy nhiên, lúa ngoài đồng đang quá kỳ thu hoạch, thiên tai, mưa gió đe dọa gây thiệt hại từng giờ trong khi Công ty Tân Thành vẫn "bình chân như vại", không chịu chốt giá để nông dân bắt tay vào thu hoạch. Đến khi chốt lại thì giá doanh nghiệp thu mua quá thấp.
Ông Chữ cho biết, chiều 7/6, đại diện Công ty Tân Thành đưa ra giá mua lúa trong chương trình liên kết sản xuất giống OM 5451 với Hợp tác xã là 4.200 đ/kg. Nếu so với giá lúa thương lái đang mua tại địa bàn xã Mỹ Thành Nam là 4.650 đ/kg thì thấp hơn 450 đ/kg, chưa tính trợ giá thêm 200 đ/kg theo thỏa thuận ban đầu.
Không đạt thỏa thuận, hai bên hẹn tiếp tục giải quyết vấn đề giá trong ngày 8/6, nếu Công ty không điều chỉnh giá thu mua hợp lý, xã viên chấp nhận “phá hợp đồng”, bán cho thương lái nào mua giá cao hơn bởi lúa chín đầy đồng và đang bắt đầu đổ ngã.
Chiều 8/6, ông Lê Văn Chữ hào hứng thông tin:"Cuối cùng Công ty Tân Thành chịu mua lúa GlobalGAP bằng giá thị trường, tức 4.650 đ/kg. Như vậy cũng tạm ổn rồi, coi như chúng tôi thành công trong cuộc đấu tranh về giá với doanh nghiệp".
Cùng cảnh ngộ, vụ Hè Thu sớm 2016, nông dân ấp 9A, xã Mỹ Thành Nam , huyện Cai Lậy đã liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” với Công ty Lương thực Tiền Giang trên diện tích 42 ha.
Theo hợp đồng, nông dân trồng giống AP 2100, Công ty Lương thực Tiền Giang bao tiêu toàn bộ với giá 4.650 đ/kg trong điều kiện thu hoạch toàn bộ diện tích trong vòng 3 ngày.
Những ngày qua, hầu như buổi chiều nào cũng mưa to, thời gian thu hoạch không đảm bảo như công ty đưa ra chưa kể trà lúa chín bị mưa gió gây đổ ngã diện rộng, thất thoát trong quá trình thu hoạch lớn. Trên cánh đồng 42 ha liên kết sản xuất theo “Cánh đồng lớn” ở ấp 9A thì tỉ lệ đổ ngã từ 30 đến 100%.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân ấp 9A cho biết, gia đình ông canh tác 0,7 ha theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Mưa gió, thiên tai làm đổ ngã 50% diện tích.
Do vậy, theo đánh giá, trà lúa bình thường đạt năng suất 80 tạ/ha trở lên nhưng thất thoát trong quá trình thu hoạch không dưới 10 tạ/ha nên năng suất thực tế chỉ vào khoảng 70 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Hùng than thở, hiện Công ty Lương thực Tiền Giang chỉ thu mua với giá 4.350 đ/kg, nông dân phải chịu thiệt đơn thiệt kép.
Ở tỉnh Tiền Giang, xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) là nơi đi tiên phong trong việc thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao. Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam ) là đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận lúa gạo GlobalGAP.
Tương tự, liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” cũng được nông dân địa phương nhiệt tình hưởng ứng. "Tuy nhiên, giá cả tiêu thụ không bảo đảm như hợp đồng ban đầu luôn là nỗi lo của bà con. Nỗi lo đó cần được các doanh nghiệp chia sẻ để nông dân an tâm sản xuất trong lộ trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Hùng nói.