Ngày 17/11, phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề “nóng” được các đại biểu đề nghị các thành viên Chính phủ cần làm rõ đó là có chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa, mất giá và được giá, mất mùa.
Giải bài toán “được mùa, mất giá” Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, trong lợi thế về tự nhiên của Việt Nam, lớn nhất vẫn là lợi thế về nông nghiệp bao gồm cả ngư nghiệp và rộng hơn nữa là kinh tế biển. Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa đặt bài toán phát triển nông nghiệp một cách tổng thể.
Đại biểu Trần Du Lịch hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đưa ra đề án tái cấu trúc nền nông nghiệp với 12 nhóm vấn đề nhưng chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) làm thôi thì không thể giải quyết được vấn đề vẫn mắc phải đó là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Theo đại biểu Trần Du Lịch, để giải quyết bài toán phát triển trong nông nghiệp trong kinh tế thị trường cần giải quyết 3 việc đó là sản xuất cái gì, bằng cách nào và sản xuất cho ai. “Lâu nay sản xuất cái gì, trồng cái gì và nuôi con gì nói rất hay nhưng sản xuất bằng cách nào với giá cả cạnh tranh được thì vẫn chưa giải quyết được nên xảy ra tình trạng được mùa mất giá” - đại biểu Trần Du Lịch nói. Đại biểu kiến nghị cần quan tâm đến thay đổi phương thức sản xuất vì nếu không đưa được khoa học công nghệ vào thì không giảm giá thành.
Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch: Thực tế cho thấy, người sản xuất chịu hai loại rủi ro về tự nhiên và thị trường. Về thị trường là rủi ro về gía cả và hối đoái. Ở các nước khác, về rủi ro tự nhiên người ta giúp nông dân có bảo hiểm rủi ro thiên tai, còn rủi ro về thị trường nông dân được hỗ trợ bằng cách giúp chuyển rủi ro đó từ người sản xuất sang người kinh doanh. Nhưng vấn đề đó không phải của Bộ NNPTNT. Vậy ai làm tổng thể giải quyết cho người nông dân để sản xuất cái gì, cách nào và cho ai để giảm rủi ro cho người sản sản xuất.
Còn đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) đề nghị, Chính phủ quan tâm hơn đến đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đang để nông dân “tự bơi” trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách trong việc phát triển thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu Hùng Văn Tính đề nghị Chính phủ cần siết chặt kiểm tra, xử lý tình trạng vật tư nông nghiệp giả (phân bón, thuốc trừ sâu giả,…) để người nông dân yên tâm sản xuất.
Đảm bảo tất cả người dân đều có đủ lương thực Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: TTXVN |
Trả lời các ý kiến trên của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Về việc có nên ban hành một Luật hay một Nghị quyết về tam nông hay không Đảng đã có Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn. Đây là Nghị quyết toàn diện đối với nông nghiệp nông dân nông thôn. Nhờ Nghị quyết này ngành nông nghiệp có tiền đề phát triển vững chắc, góp phần nâng cao đời sống nông dân nhiều nơi. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đề xuất một Luật về phát triển nông thôn nhưng Chính phủ xem xét thì thấy rằng, cần làm rõ hơn phạm vi của Luật này để tránh chống chéo với các Luật khác như Luật về thú y, bảo vệ thực vật, thủy lợi, lâm nghiệp. Nếu Quốc hội xem xét có một Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương rất tốt.
Còn về vấn đề an ninh lương thực và vấn đề sản xuất lúa đảm bảo thu nhập của nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, lương thực nước ta hiện nay dồi dào, dư thừa nhu cầu trong nước và xuất khẩu lượng lớn tương đương đủ cho 100 triệu người khác tiêu dùng; lương thực có mặt ở nhiều nơi, trừ nơi bị thiên tai thì có nguồn cung bị gián đoạn. Nhưng lương thực cho những người người dân nghèo, nhất là một số hộ ở nơi khó khăn vẫn chưa được đảm bảo vững chắc. Vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực phải duy trì năng lực sản xuất lương thực, thực phẩm chứ không phải là chỉ nguyên lúa gạo. Đồng thời, phải quan tâm hơn nâng cao thu nhập cho những hộ còn khó khăn để đảm bảo tất cả người dân có đủ lương thực.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta có thể giảm sản xuất lúa gạo để trồng các loại cây khác, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nước ta có chủ trương đảm bảo an ninh lương thực nhưng đồng thời thông qua phát triển sản xuất lúa gạo nâng cao đời sống nông dân chứ không phải đặt hai mục tiêu đối lập với nhau và trên thực tế nó không đối lập với nhau. Vừa qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nông dân vùng trồng lúa chuyển đổi sang trồng cây trồng khác nếu họ xác định được có thu nhập cao hơn. Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 42 để thay đổi cách thức hỗ trợ thay vì hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha tới từng hộ gia đình trong khi ở miền núi mỗi hộ chỉ có vài trăm mét vuông nhưng phải đi lại xa xôi thì nay tập trung vào giao cho chính quyền cơ sở chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Thảo Nguyên - Thu Hằng