Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao đổi với báo chí về những thành tựu nổi bật của liên kết kinh tế quốc tế trong năm qua; những định hướng hội nhập kinh tế và đóng góp của ngành Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ trưởng Thường trực có thể đánh giá những nét nổi bật của liên kết kinh tế quốc tế trong năm 2020 và tác động đối với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?
Nhìn lại năm 2020, một năm lịch sử, đầy biến động và “sóng gió”, có thể thấy rằng, kinh tế thế giới và liên kết kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, đan xen giữa các mảng màu “sáng”, “tối”. Kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết các trung tâm kinh tế tăng trưởng âm. Đại dịch COVID-19 mặc dù đặt ra nhiều thách thức mới nhưng cũng làm sâu sắc thêm những xu thế liên kết đã và đang diễn ra trong những năm trở lại đây; đồng thời đẩy nhanh một số xu thế, chiều hướng mới. Liên kết kinh tế quốc tế chịu ảnh hưởng mạnh từ điều chỉnh chính sách của các nước, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là xu thế chuyển đổi số.
Trước hết, có thể khẳng định, liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy sâu rộng, trên các tầng nấc, phản ánh cục diện quốc tế trong quá trình điều chỉnh, định hình.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các nước vẫn đẩy mạnh nỗ lực hợp tác và liên kết kinh tế. Nổi bật là ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA); thúc đẩy thương lượng, ký kết hiệp định về những vấn đề mới như kinh tế số, thương mại điện tử…; xây dựng và thông qua những định hướng dài hạn như Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, Tầm nhìn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đến năm 2040… Đây là những tiến triển tích cực, phản ánh nhu cầu gia tăng hợp tác, thúc đẩy các “sợi dây liên kết” nhằm bảo đảm sự bền vững của thị trường và các chuỗi cung ứng, ứng phó với các thách thức toàn cầu và phục hồi kinh tế.
Trong năm 2020, chúng ta chứng kiến sự hình thành FTA có quy mô lớn nhất thế giới - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cùng với đó là nhiều FTA và thỏa thuận kinh tế song phương quy mô lớn như các FTA giữa: Nhật Bản – Anh, Australia- Indonesia, EU – Việt Nam, Trung Quốc – Campuchia; Thỏa thuận kinh tế và thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ; Hiệp định thương mại và hợp tác EU – Anh… Đáng chú ý, theo đánh giá của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dù năm 2020 hết sức khó khăn, số lượng các FTA được ký và thực thi đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Thế giới cũng ghi nhận hơn 30 sáng kiến đa phương và nhiều bên về phục hồi và kết nối các chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại, an ninh lương thực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ… Lần đầu tiên, các hiệp định kinh tế số được ký kết giữa Singapore-Australia, Singapore – Chile – New Zealand, song song với xu thế nâng cấp các FTA hiện hành để bao hàm những vấn đề kinh tế số, thương mại số.
Là cơ chế có vai trò hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, APEC thông qua Tầm nhìn đến năm 2040 với định hướng chiến lược về xây dựng một cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình; trên cơ sở thúc đẩy thương mại, đầu tư, đổi mới, số hóa, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. Với các FTA “thế hệ mới”, quy mô lớn, các khuôn khổ hợp tác đầu tiên trên thế giới về kinh tế số cùng với mạng lưới khoảng 250 FTA và các cơ chế kết nối đan xen, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu, động lực chính thúc đẩy phục hồi, phát triển, đổi mới sáng tạo và liên kết kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, nội hàm hợp tác và liên kết kinh tế được điều chỉnh sâu sắc, gắn với phát triển bền vững, bao trùm và quá trình số hóa. Đại dịch COVID-19 góp phần làm thay đổi phương thức vận hành kinh tế, thương mại quốc tế, thay đổi phương thức tương tác xã hội và đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, nội hàm của liên kết kinh tế gắn hơn với phát triển tự cường, bền vững, an toàn; coi trọng xử lý tác động xã hội của công nghệ và toàn cầu hóa; chú trọng hơn các vấn đề an sinh xã hội, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, sản phẩm thiết yếu, biến đổi khí hậu…
Đồng thời, xu hướng điều chỉnh các chuỗi cung ứng, dịch chuyển các hoạt động đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh hơn song không đơn giản và dễ dàng. Mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu vừa qua đã bộc lộ rủi ro của sự đứt gãy, gián đoạn khi xảy ra biến động. Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng được cân nhắc nhiều hơn nhằm tối ưu hóa sản xuất và chi phí, phân tán và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng đòi hỏi thời gian để tìm kiếm những thị trường mới đáp ứng yêu cầu cao về hạ tầng cơ sở, thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng kết nối với các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu…
Tình hình kinh tế thế giới và liên kết kinh tế quốc tế năm 2020 tác động nhiều chiều đến Việt Nam, nhất là khi nước ta bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết sâu rộng. Chủ động, tích cực trong tham gia hiệu quả các liên kết kinh tế quốc tế tạo cơ hội lớn để chúng ta tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đối tác, thu hút nguồn lực cho phát triển, tranh thủ các xu hướng lớn hiện nay, nhất là tại châu Á – Thái Bình Dương, phục vụ tốt nhất cho mục tiêu phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững. Việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 – 2021 giúp chúng ta phát huy tiếng nói trong các khuôn khổ đa phương, cùng các đối tác tham gia quá trình định hình các cấu trúc, xây dựng luật lệ kinh tế – thương mại phù hợp với lợi ích chung.
Tuy vậy, những biến động khó lường của kinh tế thế giới và khu vực đã và sẽ tiếp tục tác động phức tạp đến các nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và quan hệ kinh tế giữa ta với một số đối tác. Xu hướng cạnh tranh thương mại, công nghệ gia tăng tác động đến môi trường thương mại, đầu tư quốc tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự vận hành còn hạn chế và bế tắc trong cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì môi trường thương mại tự do, mở, minh bạch và dựa trên luật lệ. Xu thế điều chỉnh nội hàm liên kết, xây dựng những khuôn khổ hợp tác, quy định mới đặt các quốc gia, nhất là những nền kinh tế đang nổi như Việt Nam, trước thách thức phải chủ động nắm bắt và thích ứng, tranh thủ cơ hội để phát huy vị thế, vai trò trong tiến trình này.
Nhìn lại năm 2020, có thể nói hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những điểm sáng trong triển khai đối ngoại của đất nước. Thứ trưởng Thường trực nhận định thế nào về điều này?
Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt những thành tựu đáng tự hào về phát triển và đối ngoại. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Ngay từ đầu năm, chúng ta đã tích cực vận động, phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, đưa Hiệp định vào thực thi từ 1/8/2020. Kết quả thực thi FTA Việt Nam – EU trong gần 5 tháng qua đã bước đầu cho thấy lợi ích quan trọng, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tiếp tục tăng trong năm nay, đạt mức hơn 540 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 19 tỷ USD.
Ngay trong những ngày cuối năm 2020, chúng ta vừa ký Hiệp định FTA Việt Nam – Anh nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Anh, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, sau khi Anh chính thức rời EU từ ngày 31/12/2020.
Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các thành viên ASEAN và các đối tác thúc đẩy ký kết thành công Hiệp định RCEP tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Việc ký kết Hiệp định RCEP, với quy mô 30% GDP toàn cầu, có ý nghĩa rất lớn, khẳng định quyết tâm của các nước tiếp tục giữ đà hợp tác và liên kết; củng cố niềm tin và tạo động lực tích cực cho phục hồi kinh tế khu vực. Với thành công này, vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được đặc biệt đề cao.
Chúng ta cũng chủ động thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng trong ASEAN về ứng phó với COVID-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực, liên kết nội khối gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác Mê Công… Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta đã cùng chủ nhà APEC 2020 – Malaysia, triển khai thành công ý tưởng do Việt Nam khởi xướng từ năm APEC 2017 và đạt kết quả có ý nghĩa chiến lược là thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Với những bước tiến trong năm 2020 cùng với những kết quả quan trọng trong triển khai hội nhập kinh tế quốc tế nhiều năm qua, chúng ta đã cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Vị thế này đang và sẽ tạo ra những động lực vượt trội giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới.
Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết kinh tế sâu rộng, toàn diện. Xin Thứ trưởng Thường trực chia sẻ về những định hướng hội nhập kinh tế của Việt Nam và đóng góp của Ngành ngoại giao trong giai đoạn mới?
Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm Đổi mới và 25 năm hội nhập quốc tế kể từ khi chúng ta tham gia ASEAN, với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định, đất nước ta bước sang giai đoạn tham gia liên kết kinh tế quốc tế với một tâm thế hoàn toàn mới.
Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến sâu sắc, phức tạp; cơ hội và thách thức đan xen. Để tận dụng và phát huy hơn nữa những thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, nâng tầm sự tham gia, đóng góp và vai trò của Việt Nam, tôi cho rằng, về định hướng hội nhập kinh tế, chúng ta cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc thực thi hiệu quả các cam kết trong các FTA và tại các cơ chế hợp tác kinh tế mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mạng lưới liên kết, hội nhập kinh tế song phương và đa phương với các đối tác và tổ chức trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế tầm toàn cầu, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng thời, cần nỗ lực và chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ, quy định quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu; đóng góp hiệu quả, trách nhiệm vào giải quyết những vấn đề chung, nhất là bảo đảm hệ thống thương mại đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ, cải cách WTO, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm,…. Cần chủ động tham gia xây dựng các khuôn khổ, quy định quốc tế về quản trị kinh tế số và chuyển đổi số, trên cơ sở phù hợp với lợi ích của ta; tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương “tham gia định hình các thể chế đa phương” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Trong giai đoạn chiến lược mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ trọng yếu của ngành, trên tinh thần sắc bén và toàn diện trong nhận định và nắm bắt xu thế; chiến lược và tầm nhìn trong tham mưu chính sách; quyết liệt và tiên phong trong tổ chức triển khai. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực tận dụng, phát huy tiềm lực, vai trò và vị thế của đất nước để đóng góp thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách và mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2045; kỷ niệm 100 năm thành lập Nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới đề ra.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Thường trực!