Hội nghị tập trung tổng kết về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua và sơ kết Công điện số 01/2018/CĐ-BCA-V11 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời bàn thảo các giải pháp đảm bảo an toàn cháy nổ trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp. Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra gần 15.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 400 người, bị thương gần 1.000 người, thiệt hại về tài sản 7.800 tỷ đồng và hơn 6.000 héc-ta rừng. Các vụ cháy tập trung chủ yếu ở địa bàn thành thị, chiếm trên 60% tổng số vụ. Cháy nhà dân chiếm tỷ lệ 50%; cháy các cơ sở kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ 35%... Cháy nguyên nhân do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện vẫn chiếm chủ yếu trên 50%; nguyên nhân do vi phạm, sơ suất trong quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 30%.
Có tình trạng buông lỏng quản lý phòng cháy, chữa cháy ở nhiều chung cư
Đáng chú ý, trước tình hình cháy nhà cao tầng trên cả nước diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, thực hiện Công điện 01/CĐ-BCA-V11 của Bộ trưởng Bộ Công an, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng và các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao tại 7 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Qua kiểm tra của Đoàn liên ngành thời gian qua cho thấy, công tác quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố lớn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch tổng thể về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tồn tại nhiều cơ sở được xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2001 (thời điểm Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực) không bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tại nhiều nhà chung cư, tình trạng buông lỏng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy trì hoạt động các hệ thống kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy còn diễn ra phổ biến, nhất là các công trình xây dựng trước năm 2005 (khi Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành) không có nguồn kinh phí bảo trì tòa nhà...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được, đặc biệt là lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này trong thời gian qua. Những kết quả đạt được đã kiềm chế sự gia tăng số vụ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, Phó Thủ tướng đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng nêu lên một số vụ cháy nghiêm trọng diễn ra trong thời gian gần đây: Ngay tại Hà Nội, trong tối 17/9 vừa qua đã xảy ra vụ cháy lớn tại khu vực Đê La Thành, ngay cạnh Bệnh viện Nhi Hà Nội gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân; Vụ cháy quán Karaoke tại 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) ngày 1/11/2016 làm 13 người chết; Vụ cháy tại Chung cư Carina Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/3/2018 làm 13 người chết… Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua vụ việc này, các cơ quan chức năng cần đúc rút kinh nghiệm, phải triển khai công tác chữa cháy nhanh hơn, cứu được nhiều người hơn và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, công trình.
Phân tích về nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên, Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa ở nước ta diễn ra nhanh chóng, tuy nhiêu đầu tư cho đảm bảo an toàn cháy, nổ còn chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến áp lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy rất nặng nề. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ, ở nhiều nơi, các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy.
"Một bộ phận cán bộ, kể cả người đứng đầu, lãnh đạo các cấp, ngành và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy; chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy; mới tập trung cho đầu tư phát triển, nhưng chưa chú ý đến đầu tư cho phòng ngừa sự cố" - Phó Thủ tướng nhận định, đồng thời cho rằng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ còn hạn chế.
Tình trạng vi phạm, coi nhẹ các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn khá phổ biến. Phó Thủ tướng chỉ ra thực trạng, nhiều nhà chung cư, cao tầng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và trang thiết bị, đảm bảo an toàn cháy nổ, hoặc vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, về quy hoạch nhưng vẫn được xây dựng, đặc biệt là tại những khu dân cư đông đúc, khiến nguy cơ rất lớn về thiệt hại khi phát sinh sự cố.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách nhìn chung còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng; phương tiện thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các tình huống xử lý sự cố. Việc quy hoạch, triển khai thành lập các đội chữa cháy khu vực, đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp ở các địa bàn, khu vực trọng điểm còn chậm. "Nhất là tại các thành phố lớn, đông dân cư thì phải bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu ứng phó, chữa cháy nhanh nhất. Tuy nhiên có thực trạng "tắt lửa thì công trình đã xong", vì vậy phải bố trí làm sao công tác chữa cháy phải bảo vệ được công trình, tài sản" - Phó Thủ tướng nêu.
Việc quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy tại các chung cư, nhà cao tầng còn nhiều bất cập. "Thực trạng này dẫn đến nhiều nhà cao tầng, chung cư không thể tự triển khai công tác chữa cháy hoặc có trang thiết bị mà không tự chữa cháy được. Với các chung cư, nhà cao tầng, nếu không đảm bảo công tác tự chữa cháy sẽ là nguy cơ thiệt hại rất lớn khi có sự cố" - theo Phó Thủ tướng.
Đưa tiêu chí an toàn phòng cháy, chữa cháy trở thành một nội dung đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương
Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, yêu cầu công tác là "lấy phòng ngừa là chính và ứng phó kịp thời với mọi tình huống sự cố", đồng thời "trước hết đảm bảo tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, góp phần phát triển bền vững".
Về hành lang pháp lý, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư. Bộ Xây dựng rà soát lại các quy định, quy chế trong công tác quản lý, vận hành chung cư, nhà cao tầng để để xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó phải quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà trong việc duy trì bảo dưỡng, bảo trì các hệ thống kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà, nhất là đối với loại hình nhà tái định cư, nhà ở chính sách, nhà ở xã hội...
"Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công an đưa tiêu chí an toàn phòng cháy, chữa cháy trở thành một nội dung để xem xét, đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương trên cả nước" - Phó Thủ tướng nói.
Các lực lượng chức năng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. "Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và công khai danh sách những cơ sở này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Công an tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 22 ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hàng năm, Bộ Công an chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành của Trung ương tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật, Chỉ thị của Ban Bí thư và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một số bộ, ngành, địa phương; kịp thời chấn chỉnh công tác này, đồng thời tập hợp kết quả kiểm tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1635 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư.
Theo Phó Thủ tướng, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, với sự tham gia của toàn xã hội. Mỗi người dân phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tự giác tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và biết cách xử lý khi gặp cháy, nổ, sự cố, tai nạn; bên cạnh đó các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cho người dân về phòng, chống cháy nổ.