Theo đó, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán là 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế trong bối cảnh năm 2021, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 quay trở lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế- xã hội nước ta, dự toán thu ngân sách nhà nước thời điểm đó là thận trọng, sát thực tế.
Bộ Tài chính cũng cho biết, tại thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (tháng 6-8/2020) cũng là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 quay trở lại và bùng phát, gây thiệt hại ở nhiều nước trên thế giới, trong nước đã có thiệt hại về người tại thành phố Đà Nẵng và có dấu hiệu lan ra một số địa phương (Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh,…), chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch bệnh, vì vậy cần phải dự báo thận trọng trong khâu xây dựng dự toán ngân sách nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, dự toán 2021 xây dựng đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam. Nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, riêng với Việt Nam, 9 tháng tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng nước ta phải thu 74-75%.
“Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách vẫn vượt dự toán. Thời điểm đó, Bộ Tài chính dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ đồng nhưng thực tế vượt trên 22.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng nói.
Trong năm 2021, nhiều chính sách được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thúc đẩy phục hồi kinh tế đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Một số ngành, lĩnh vực (xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô,…) đã phát sinh lợi nhuận cao, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, ngành tài chính cũng đã tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu vào ngân sách nhà nước theo kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Về chi ngân sách của năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ. Trong số đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn gửi báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.