Đồng Tháp: Cấp mới, gia hạn nhiều giấy phép khai thác cát không đúng quy định

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh phía Nam (trong đó có Đồng Tháp) cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia. Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp mới, gia hạn nhiều giấy phép khai thác cát không đúng quy định.

Chú thích ảnh
Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (ảnh minh họa). 

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, đi qua tỉnh hai Tiền Giang, Vĩnh Long chiều dài khoảng 6,61 km, khởi công xây dựng vào tháng 3/2020. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật chi tiết và dự toán dự án, nhu cầu sử dụng cát để san lấp tại dự án này hơn 395.000 m3.

Qua kiểm tra và theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh không cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Cát phục vụ san lấp tại dự án là do đơn vị thi công tự hợp đồng với đơn vị trung gian cung cấp và vận chuyển cát cho dự án. Nguồn cung cấp cát san lấp cho dự án này là tại các mỏ do Công ty Cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác trên địa bàn tỉnh.

Kết luận thanh tra đánh giá UBND tỉnh Đồng Tháp và các ngành có liên quan của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, cung cấp thông tin để đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng, xác định nguồn vật liệu san lấp trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, dự toán; tạo điều kiện để nhà thầu hợp đồng cung cấp vật liệu san lấp cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu kịp thời, đảm bảo tiến độ của dự án.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác cát đối với 12 giấy phép (diện tích trên 753 ha, trữ lượng hơn 25 triệu m3) hết hạn sau ngày 1/7/2011 là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010. UBND tỉnh Đồng Tháp cấp mới 7 giấy phép khai thác cát (diện tích hơn 273 ha, trữ lượng trên 14 triệu m3) thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát đã cung cấp cát ra thị trường là chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 15/2012/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét xử lý phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. Qua quá trình kiểm tra, xử lý nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, rà soát giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp và gia hạn; xem xét thu hồi các giấy phép còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép cấp qua đấu giá hoặc được xác định cung cấp cho các công trình theo quy định) hoặc điều chỉnh giấy phép (nếu đủ điều kiện) nhằm đảm bảo cung cấp cho các công trình theo quy định.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp, tổng số tiền cấp quyền khai thác cát sông phải nộp trong thời kỳ 2014 - 2022 là trên 178 tỷ đồng, tổng số đã nộp là 178,13 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến cuối năm 2022, tổng số tiền thuế tài nguyên phải nộp là 513,387 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 346 tỷ đồng, doanh nghiệp khai thác cát đã nộp đủ 100%. Công ty Cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp, trong thời kỳ trên đã nộp tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường tổng cộng hơn 1.013 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Kiểm tra, xử lý nghiêm khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc
Kiểm tra, xử lý nghiêm khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc

Thời gian gần đây, lợi dụng nước sông Trà Khúc đang cạn và khan hiếm cát xây dựng, các đối tượng đã bơm hút, xúc cát trộm tại nhiều khu vực sông ở các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN