Đoàn kết, đồng lòng là 'thượng sách' để chiến thắng COVID-19

Những ngày qua, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên rất nhiều nước trên thế giới đều ra quyết định đóng cửa biên giới, sân bay nhằm hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập, lây lan. Có nước ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đóng cửa những cơ sở dịch vụ không cần thiết nhằm dồn mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế làm thủ tục khai báo y tế bắt buộc đối với hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở những nước phát triển, có nền y tế rất tốt nhưng đã có nhiều ca tử vong do COVID-19. Còn tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, sức khỏe các ca bệnh đều có diễn biến tích cực, chưa có ca nào tử vong vì COVID-19. Điều này là minh chứng rõ nét cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, người dân đều rất chủ động khoanh vùng, phòng chống dịch hiệu quả, không để dịch lan rộng, phát hiện và điều trị các ca bệnh tốt nhất có thể. Kết quả này của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận. Có thể tự hào nói rằng với những nỗ lực vừa qua, Việt Nam xứng đáng là một điểm sáng trong công tác phòng chống COVID -19 trên thế giới.

Có lẽ cũng chính vì thế mà từ nhiều ngày nay, Việt Nam đã đón hàng chục ngàn người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài về nước từ khắp nơi trên thế giới, kể cả vùng có dịch COVID-19 đang lan rộng. Nhiều người nói vui rằng đó là “những đàn chim di cư về nước tránh dịch". Ở một góc nhìn khác, cũng có thể thấy, sự trở về này cũng cho thấy, người dân Việt vẫn luôn tin tưởng, tìm về Tổ quốc khi gặp khó khăn, nguy nan.
 
Phải khẳng định rằng, dù sinh sống, làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nhưng đã là người Việt Nam thì đều được chào đón trên đất mẹ, nhất là trong tình huống đại dịch toàn cầu như hiện nay. Đây không phải là sự ban ơn mà chính là hành động thể hiện trách nhiệm với công dân của mình. Chính phủ với phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã chủ động chuẩn bị các phương án tốt nhất có thể để rà soát, xét nghiệm, thực hiện khai báo y tế, cách ly những người trở về từ vùng dịch khắp nơi trên thế giới để tránh dịch lây lan ra cộng đồng. 

Các hoạt động rà soát, lấy mẫu bệnh phẩm có những thời điểm được tiến hành ngay từ khi dòng người đông đúc nhập cảnh vào sân bay. Do đó, hiện tượng người dân về nước phải xếp hàng, chờ đợi trong thời gian khá dài mới đến lượt thực hiện thủ tục là sự thật. Trở về nước sau chuyến bay dài, lại mất thêm thời gian chờ đợi làm thủ tục với tất cả mọi người thực sự là thời gian mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức, nhất là với người già, trẻ em. Vì đây là thủ tục bắt buộc và cần thiết để đề phòng dịch lây lan nên phần đông người trở về đều có ý thức chấp hành tốt dù rất mệt mỏi.

Tuy thế, vẫn có những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, không thể kiên nhẫn như bao đồng bào khác mà gây ra một vài cuộc “náo loạn” không lấy gì làm đẹp đẽ, văn minh ngay tại sân bay. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, những hình ảnh này gần như ngay lập tức được cư dân mạng ghi lại và công khai clip trên các mạng xã hội. Chị này còn có những lời lẽ quá khích, thách thức khiếm nhã trên trang cá nhân của mình. Và tất nhiên là nhân vật chính gây “náo loạn” trong clip đã nhận cả núi “gạch đá” một cách không thương tiếc từ bình luận của cư dân mạng, thậm chí cả những lời lẽ thô tục nhất chỉ sau thời gian ngắn clip được đăng tải trên mạng xã hội. Những thông tin liên quan đến cá nhân chị này cũng bị cư dân mạng truy lùng, công khai chia sẻ.

Cũng đã có nhiều bài thơ ca ra đời phê phán người gây “náo loạn”, hỏi đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa mà hách dịch, chê bai, hoạnh họe như “ông bà chủ” giữa lúc đất nước đang phải gồng mình “chống giặc”. Tệ hơn nữa là trên mạng xã hội xuất hiện những ý kiến bình luận thiếu thiện chí, quy chụp, bài xích Việt kiều; thậm chí lên tiếng yêu cầu Việt kiều không được trở về “gây họa” cho đất nước, tiêu tiền thuế đóng góp của nhân dân, tạo gánh nặng thêm cho đất nước đang “bao việc”… Đây thực sự là lối văn hóa ứng xử xấu xí, không văn minh giữa lúc cả nước cần đồng lòng, chung sức để chống dịch COVID-19! Hành vi của nhóm du khách gây “náo loạn” sân bay, nhất là chị gái kia cũng cần phải được lên án mạnh mẽ nhưng không có nghĩa là “toàn dân mạng” phải vào cuộc như “lên đồng tập thể” với lối phán xét, quy chụp với cả những người không liên quan...

Phải một lần nữa khẳng định rằng, dù đất nước còn nghèo nhưng cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã rất nỗ lực trong tổ chức khu cách ly phòng dịch miễn phí từ chỗ ăn ở, nhu yếu phẩm cần thiết cho hàng chục ngàn người, kể cả cách ly tập trung lẫn ở khu dân cư thời gian qua. Đây là thực tế mà nhân dân cả nước đều nhìn thấy và ghi nhận. Tất nhiên, trong điều kiện đất nước còn nghèo, cùng lúc phải lo lắng cho hàng chục ngàn  người thì cơ sở vật chất còn chưa tiện nghi là điều khó tránh. Người dân trở về nước cũng nên thông cảm với hoàn cảnh khó khăn này và thực tế là đa phần người trở về đều nghiêm chỉnh chấp hành. Dù trong số hàng chục ngàn người trở về nước, những trường hợp phàn nàn, kêu ca, đòi hỏi chỉ là số ít nhưng các cấp các ngành đã lắng nghe, có những điều chỉnh cần thiết trong phương án rà soát phòng chống dịch.

Phòng chống dịch COVID-19 đến thời điểm này vẫn được xác định là “cuộc chiến lâu dài” và cần sự đồng lòng, đoàn kết thống nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Thế nên mong toàn thể nhân dân, nhất là cư dân mạng, đặc biệt là các “anh hùng bàn phím” hiểu rằng thay vì cãi vã không cần thiết thì nên cùng giúp sức, đóng góp nhân lực, kinh phí hỗ trợ các cơ quan chức năng, ngành y tế trang bị các điều kiện cần thiết cho các khu cách ly phòng dịch, điều trị cho các ca bệnh dương tính. Đó mới là việc làm đúng đắn, đáng hoan nghênh, đồng sức chung lòng mới là "thượng sách" trong cuộc chiến chống COVID-19! 

Hành động bực dọc và thái độ phách lối của một cá nhân Việt kiều ở sân bay là không thể chấp nhận. Các hành động xấu xí đó cần phải chấm dứt. Tuy nhiên cộng đồng mạng cũng không nên đáp lại bằng một thái độ cũng thiếu bình tĩnh và quy chụp "mọi Việt kiều đều chẳng làm gì cho đất nước mà còn hay đòi hỏi ", tạo nên những xung đột văn hóa không đáng có trong cộng đồng Dân tộc Việt Nam rộng lớn. Hãy khép lại những tranh cãi vì những điều vụn vặt ấy để cùng nhau dồn sức cho cuộc chiến chống đại dịch COVID 19!

Minh Tâm (TTXVN)
Người dân phố Trúc Bạch vui mừng trước giờ gỡ bỏ cách ly
Người dân phố Trúc Bạch vui mừng trước giờ gỡ bỏ cách ly

Dù đã có thông tin từ cuộc họp chiều nay của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố, nhưng trước khi đoạn phố Trúc Bạch được gỡ bỏ lệnh cách ly sau 14 ngày, các chốt kiểm soát vẫn thực hiện nghiêm lệnh đảm bảo an toàn, không lơ là, chủ quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN