Sau nghi nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương về nhu cầu và khả năng khai thác nguồn cung ứng vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm của vùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, để đảm bảo nguồn vật liệu 4 tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của vùng cần thực hiện tốt 4 giải pháp: Cấp phép mới và cấp phép lại các mỏ vật liệu trên cơ sở có xem xét đánh giá (chỉ phục vụ cho công trình cao tốc Bắc - Nam) và không phải làm thủ tục; xem xét đánh giá việc sử dụng đất thay thế cát (trữ lượng đất ở Long An khoảng 34 triệu m3); các địa phương nâng công suất 50% khai thác ở các mỏ cát, còn mỏ đá, đất thì tăng lên 200% công suất khai thác; có giải pháp kiểm soát giá vật liệu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, Bộ Giao thông vận tải lập biểu đồ các tuyến cao tốc, nêu rõ nhu cầu về nguồn cung cát, đất và đá phục vụ san lấp cho từng dự án, trên cơ sở đó, xác định cụ thể khối lượng vật liệu san lấp ở từng giai đoạn và các công việc cần phải làm từ nay đến năm 2024 cho các dự án.
Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương, nhà thầu xác định giá cát, không để tăng giá vật liệu trong thời gian thực hiện dự án nhưng vẫn phải đảm bảo có lãi cho đơn vị khi khai thác cung ứng; đồng thời, cần rà soát lại thiết kế, các thông số kỹ thuật của các công trình cao tốc, trên tinh thần phân tích đánh giá kỹ về chất lượng, dù có chậm tiến độ vài tháng nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình nhằm phục vụ cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở số liệu tính toán trữ lượng, công suất khai thác, cần có lộ trình phân bổ điều tiết vật liệu san lấp đảm bảo sát với nhu cầu thi công, hợp lý theo thời gian cũng như địa bàn. Đối với các mỏ cát, khi khai thác phải có khảo sát đánh giá tác động môi trường, nguy cơ sạt lở. Các địa phương phải sớm công bố giá và có phương án bình ổn giá cát; phân bổ, điều tiết phân bổ các mỏ vật liệu xây dựng hợp lý theo từng mốc thời gian, từng giai đoạn thi công.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn, lên đến khoảng 47,81 triệu m3 và chủ yếu tập trung các năm 2023, 2024. Đến nay, các địa phương đã có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 cát cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đạt 16% so với nhu cầu 18,5 triệu m3.
Theo đó, tỉnh An Giang cấp 1,1 triệu m3 (từ việc tăng 50% công suất của 4 mỏ đang khai thác), tỉnh Đồng tháp cấp 1,9 triệu m3 (tăng 50% công suất 1 mỏ và giới thiệu 2 mỏ mới), tỉnh Vĩnh Long đang xác định mỏ để giới thiệu cho dự án, hiện chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang phối hợp với địa phương để triển khai các thủ tục tăng công suất mỏ và các thủ tục thăm dò, mở mỏ mới. Tuy nhiên, khối lượng còn lại cần cho dự án là rất lớn.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, với các dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ và các dự án cao tốc do địa phương làm cơ quan chủ quản, đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung. Việc các tỉnh có nguồn cát đảm bảo chất lượng thực hiện rà soát để mở mới đồng thời với việc nâng công suất các mỏ đang khai thác cấp cho dự án là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thông tin thêm, khó khăn hiện nay là các dự án đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền do các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án tại địa phương và hiện mới chỉ cân đối để cung cấp được khoảng 3 trong 18,5 triệu m3. Tuy nhiên, khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần phải triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian.