Tìm nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL

Ngày 15/12, tại Sóc Trăng, Đoàn công tác Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có buổi làm việc bàn về giải pháp tìm nguồn vật liệu phục vụ cho các dự án đường bộ cao tốc, dự án giao thông trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi làm việc. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cùng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định: các bộ, ngành sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long trong việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; trong đó, có Dự án tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng để thực hiện đúng theo tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng ghi nhận các kiến nghị của các địa phương về xác định, đánh giá nguồn cát, tác động môi trường, cam kết sẽ có những văn bản trả lời và sẵn sàng cùng Bộ Giao thông Vận tải ngồi lại cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên , Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể chủ động nguồn cát sông cho các dự án cao tốc, đặc biệt là các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang với trữ lượng cát sông khá lớn. Trong 39 triệu m3 cát cần cho các dự án những năm tới thì năm 2023 chỉ sử dụng khoảng 16 triệu m3, còn 23 triệu m3 rơi vào năm 2024, đầu năm 2025 nên lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát cụ thể nhu cầu cát và rà soát lại nguồn cát trên địa bàn để tính toán cân đối cho hai tuyến cao tốc, ưu tiên dồn nguồn lực cho cao tốc, năm 2026, 2027 hoàn thành 400km đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với những kiến nghị về việc sử dụng cát biển đắp nền, ông Kiên cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải sẽ có trả lời sớm. Bộ Tài nguyên Môi trường cũng sẽ đề xuất giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan việc giám sát trong quá trình khai thác cát.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các tỉnh trong vùng dự án đã thông tin về trữ liệu nguồn cát đá xây dựng phục vụ các dự án và sẵn sàng chia sẻ với những địa phương không có sẵn nguồn vật liệu. Đồng thời, kiến nghị với bộ, ngành liên quan ban hành quy định riêng về đấu giá quyền khai thác các mỏ cát trên cả nước, việc quản lý nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa...

Đối với Sóc Trăng, tỉnh có 58,4 km đường Cao tốc trục ngang chạy qua địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, khó khăn là nguồn vật liệu cát san lấp, nếu khai thác cát biển để sử dụng vào san lấp mặt bằng được, Sóc Trăng cam kết sẵn sàng chia sẻ nguồn cát cho các tỉnh đang thiếu hụt.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, khó khăn của Sóc Trăng là nhu cầu sử dụng nguồn cát làm vật liệu xây dựng của tỉnh rất lớn, nhưng địa thế nằm ở cuối nguồn sông Hậu nên cát lòng sông thuộc Sóc Trăng có chất lượng xấu (cát, bùn xen kẽ và lẫn nhiều tạp chất), khó đáp ứng chất lượng. Trong khi trữ lượng cát biển của là rất lớn, khoảng 13,9 tỷ m3, đây là điều kiện thuận lợi nếu được quan tâm khai thác có thể phục vụ cho cả Đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn không cao. Nếu để san lấp có thể phục vụ san lấp mặt bằng phần dưới (Code âm) cho các dự án cao tốc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ Sóc Trăng trong triển khai dự án. Bộ Tài nguyên Môi trường cần hoàn thành dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch giao. Do Đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu nên việc thi công nền đường là nhân tố quyết định quan trọng của dự án, việc sử dụng nguồn vật liệu cát để đắp nền là hết sức cần thiết và Đồng bằng sông Cửu Long có những khu vực có nguồn cát dồi dào.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải mong muốn, các tỉnh nâng cao trách nhiệm cùng với bộ và các cơ quan trung ương để đáp ứng yêu cầu của dự án. Đồng thời, các tỉnh có nguồn cát cần hỗ trợ cho các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Hậu Giang, nhu cầu nguồn cát để thi công 400km đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 39 triệu m3 cát; trong đó, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cần 17,8 triệu m3 cát.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng thông tin thêm, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (cao tốc trục dọc) sẽ được khởi công ngay đầu tháng 1/2023, còn tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (cao tốc trục ngang) dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6/2023 và bắt đầu triển khai thi công vào tháng 8/2023.

Bài và ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
Quảng Ninh với cách giải quyết việc thiếu vật liệu san lấp
Quảng Ninh với cách giải quyết việc thiếu vật liệu san lấp

Việc tận dụng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV quan tâm hơn bao giờ hết tại kỳ họp lần thứ 12 (diễn ra từ ngày 7 - 9/12).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN