Di sản của cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển

Sáng 2/6, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Di sản của Cố Thủ tướng Olof Palme và mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển” do Học viện Chính trị Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố Thủ tướng Olof Palme và 47 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Thụy Điển.


Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau gần năm thập kỷ, sự hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển ngày càng mở rộng trên mọi lĩnh vực bao gồm kinh tế, chính trị, an ninh, giáo dục và văn hóa… 


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Phương


Ông Pierre Schori, Đặc phái viên cao cấp của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, nguyên cố vấn của cố Thủ tướng Olof Palme nhấn mạnh, cố Thủ tướng Olof Palme chính là người đã khơi nguồn cho mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ độc nhất và vô cùng đặc sắc giữa hai quốc gia.


Chia sẻ những kỷ niệm của mình về cố Thủ tướng Palme, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, bà đã được gặp cố Thủ tướng Palme và trao đổi với ông nhiều lần. “Đầu năm 1972, ông Olof Palme, khi đó là Chủ tịch của Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển, đã mời tôi từ cuộc đàm phán 4 bên về Việt Nam ở Paris sang Stockhom để phát biểu về tình hình chiến tranh Việt Nam. Tôi là đại biểu nước ngoài duy nhất tại Đại hội. Sau đó, có một cuộc biểu tình của nhân dân phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, ông đã cùng với tôi, Đại sứ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một số bạn bè quốc tế tham gia cuộc biểu tình”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhớ lại.


Không có vinh dự được gặp Thủ tướng Olof Palme song với nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, sự giúp đỡ của Thụy Điển không chỉ có “giá trị cứng” mà còn chứa đựng những “giá trị mềm” không kém phần quan trọng”. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Những năm 80 thế kỷ trước, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án đổi mới công tác tổ chức của Bộ Ngoại giao. Loay hoay tìm kiếm kinh nghiệm tiên tiến của thế giới về điều hành, quản lý, trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ lên Nhà máy giấy Bãi Bằng (công trình nhận được sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Chính phủ Thụy Điển-PV) để học hỏi. Quả nhiên ở đó tôi thu lượm được rất nhiều bài học quý báu, thiết thực, giúp ích cho công việc của mình”.


Ông Olof Palme (1927-1986) là Thủ tướng Thụy Điển những năm 1969-1976 và 1982-1986. Ông là người bạn chính trực và tận tâm của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Không chỉ là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước, Thủ tướng Olof Palme cũng là người kiên trì chủ trương hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước, giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển tại Uông Bí, Quảng Ninh và Nhà máy giấy Bãi Bằng.


Thu Phương
Thụy Điển và Việt Nam bàn giải pháp giao thông công cộng bền vững
Thụy Điển và Việt Nam bàn giải pháp giao thông công cộng bền vững

Chiều ngày 26/11, Đại sứ Quán Thụy Điển và UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo Giao thông đô thị bền vững nhằm chia sẻ, cung cấp những giải pháp giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN