Thụy Điển và Việt Nam bàn giải pháp giao thông công cộng bền vững

Chiều ngày 26/11, Đại sứ Quán Thụy Điển và UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo Giao thông đô thị bền vững nhằm chia sẻ, cung cấp những giải pháp giao thông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông.


Bà Camilla Mallander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết hiện nay, tình hình giao thông công cộng tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do đô thị hóa gia tăng nhanh. Đặc biệt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh cần phải xử lý nhanh những thách thức này bởi giao thông công cộng là yếu tố cạnh tranh then chốt trong tiến trình hội nhập. Có như vậy, chất lượng cuộc sống mới được nâng lên và tốc độ phát triển kinh tế sẽ duy trì tốt hơn nhờ thu hút được các nhà đầu tư, kinh doanh từ các nước khác.

Đại diện phía Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp hệ thống giao thông công cộng tại Hội thảo Giao thông đô thị bền vững


Đại diện phía Thụy Điển cũng cho biết, hiện tiềm năng cung cấp các giải pháp giao thông công cộng tại Việt Nam rất lớn. Thực tế cho thấy, dân số tại các thành phố đang phát triển mạnh. Cụ thể, năm 2014 có đến 33% trong số 90 triệu dân Việt Nam đang sống ở các thành phố hoặc khu đô thị. Số dân này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Hơn nữa, các khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng từ 700 (năm 2014) lên 1.000 vào năm 2025. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất, đứng thứ 8 từ dưới lên trong tổng số 187 quốc gia được khảo sát về chỉ số đánh giá môi trường. Một phần nguyên do là sự gia tăng sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân. Chưa kể, số lượng tai nạn giao thông cũng cao hơn đáng kể. Tính trong năm 2014, cứ một triệu người dân thì có gần 250 người tử vong do tai nạn giao thông, cao hơn so với mức trung bình của EU là 75 người. Với những con số này, Thụy Điển cho rằng Việt Nam rất có nhu cầu về các giải pháp giao thông công cộng mới và sáng tạo để mang đến một chiến lược giao thông công cộng toàn diện và bền vững.


Ông Erik Bromander, Thứ trưởng Bộ giao thông và Cơ sở hạ tầng tại Thụy Điển cho rằng, muốn quản lý một hệ thống giao thông công cộng bền vững và hiện đại thì giải pháp tốt nhất là dựa trên nền tảng công nghệ. Và đã từ lâu, Thụy Điển luôn đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp này. Có thể thấy, từ năm 1990, nhờ áp dụng hệ thống giao thông hiện đại, phát thải từ ô nhiễm giao thông giảm khoảng 9% trong khi GDP tăng gần 50%. Ngoài ra, số lượng tai nạn giao thông đã giảm đi một nửa, trong đó từ năm 2000 đến 2013, tỷ lệ này ở mức 30 vụ/1 triệu dân một năm, mức thấp nhất thế giới. Thụy Điển cũng là nước đi đầu về an toàn giao thông với "tầm nhìn về không” đối với các vụ tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Thụy Điển cũng là nước cung cấp hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT), an toàn giao thông và giao thông thân thiện môi trường. “Thông qua hội thảo này, tôi mong muốn giữa Việt Nam và Thụy Điển sẽ có những hợp tác về giải pháp trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và giao thông, dựa trên những kế hoạch giao thông mà TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang triển khai…”, ông Erik Bromander nói.


Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện Việt Nam cũng đang trong tiến trình cải tổ hệ thống giao thông công cộng. TP Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị, 200 trạm BRT. Tuy nhiên, để vận hành hệ thống giao thông công cộng này một cách an toàn và bền vững, TP Hồ Chí Minh vẫn cần nhiều giải pháp cụ thể để giúp người dân tham gia giao thông công cộng như một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.


Theo các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp giao thông tại Thụy Điển, điểm mấu chốt để quy hoạch hệ thống giao thông công cộng tốt là sự tích hợp các giải pháp trong quy hoạch đô thị, trong đó các yếu tố cấu thành của một đô thị như thu gom rác thải, nước thải, giao thông vận tải… được phối hợp lập kế hoạch để tối đa hóa sự vận hành đồng nhất giữa các hệ thống. Và Thụy Điển sẵn sàng cung cấp các giải pháp này như xe buýt, kiểm soát lối vào, giám sát, giải pháp thu phí, biến chất thải thành năng lượng, kết nối internet trên tàu hỏa và xe buýt… cho Việt Nam.


Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN