Hội nghị tổng kết ngành Nội vụ:

Đề xuất cắt giảm một số cuộc thi và chứng chỉ trong tuyển dụng cán bộ, công chức

Sáng 12/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, các địa phương đã có nhiều tham luận và trao đổi nhiều nội dung về đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị… và đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực Nội vụ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Giải pháp căn bản về biên chế viên chức giáo dục

Tham luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho thấy, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã mở ra nhiều thuận lợi cho các địa phương đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Hà Nội. Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay Hà Nội đã sắp xếp giảm 280/2.780 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (10,1%); giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người làm việc tại các vị trí việc làm dùng chung và vị trí việc làm chuyên môn cần tinh gọn; nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Thực hiện chỉ tiêu tinh giản, theo đó yêu cầu giảm 12.890 biên chế giai đoạn 2016-2021, mỗi năm giảm 3.692 biên chế/năm là một áp lực lớn với Thủ đô. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu. Sau sắp xếp đơn vị sự nghiệp, Hà Nội đã nhanh chóng phê duyệt vị trí việc làm, chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy trình giải quyết công việc. Nâng cao chất lượng đánh giá viên chức, Hà Nội quy định thống nhất biểu mẫu và quy trình đánh giá tháng đối với viên chức trong cả hệ thống sau khi tổng kết đánh giá 03 năm thực hiện; kiên quyết giải quyết nghỉ (tinh giản) hoặc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức không làm được việc, có phẩm chất và thái độ không phù hợp.

Thành phố cũng chỉ đạo có lộ trình giải quyết dứt điểm hợp đồng chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ, công tác tuyển dụng được phân cấp triệt để nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập, chất lượng đội ngũ viên chức ngày một nâng lên.

Đến nay, Hà Nội đã chuyển 199 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, giảm 19.980 biên chế hưởng lương ngân sách. Để thực hiện được, Hà Nội ban hành Kế hoạch nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021 cụ thể, có nguyên tắc xác định rõ ràng; thủ trưởng đơn vị nào không hoàn thành hoặc cố tình trì hoãn để được hưởng cả 02 nguồn tài chính sẽ xem xét trách nhiệm hoặc thay thế, những đơn vị không hiệu quả kiên quyết sáp nhập để nâng cao quy mô, hiệu quả.

Qua đánh giá tại các đơn vị thực hiện tự chủ cho thấy hiệu quả mang lại rõ nét: Tạo quyền chủ động cho các đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính, tăng cường phân cấp trong quản lý giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới; tạo điều kiện mở rộng, khai thác và phát triển nguồn thu, huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tăng thu nhập cho người lao động, khuyến khích, tạo động lực làm việc…

Để triển khai có hiệu quả việc tiếp tục tinh giản biên chế sự nghiệp tối thiểu 10% nhiệm kỳ 2021 - 2025, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có giải pháp giải quyết kịp thời đối với các tồn tại lĩnh vực giáo dục, xác định lại tỷ lệ định mức biên chế, chương trình học theo định mức mới, quan điểm về tự chủ đối với cơ sở giáo dục các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện. Các chủ trương của Trung ương đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng khung pháp lý thống nhất để kiểm soát khi phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên; có giải pháp khả thi đối với việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự bảo đảm chi thường xuyên giai đoạn dịch bệnh, khi đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập. Một số đơn vị sự nghiệp đã tự chủ chi thường xuyên đang gặp khó khăn về nguồn chi trả lương, những đơn vị dự kiến tự chủ theo kế hoạch năm 2021, 2022 phải điều chỉnh lùi lại các năm tiếp theo. Để thực hiện được đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ so với năm 2015, Chính phủ, Bộ Nội vụ cần có giải pháp và hướng đi phù hợp trong việc nâng mức tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập trong tình hình mới.

Xóa bỏ tình trạng khép kín trong công tác bổ nhiệm

Tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề cập: Mặc dù không nằm trong danh sách triển khai thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Nội vụ, tuy nhiên, Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện công tác này. Từ năm 2009, tỉnh đã có đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hai ngành: giáo dục - đào tạo và y tế. Năm 2010, tỉnh thực hiện đề án tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Quy định về công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và công tác cán bộ của tỉnh trong thời kỳ mới. Các nội dung tuyển chọn đã đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ; đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và có cạnh tranh trong tuyển chọn.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh tuyển chọn được 668 vị trí (trong đó 333 cấp trưởng và 335 cấp phó), chủ yếu là tuyển chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường thuộc khối sự nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm trên 90% tổng vị trí tổ chức tuyển chọn). Kết quả tuyển chọn qua các năm cho thấy, việc thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bắc Giang đã đi vào nề nếp và được các cấp, các ngành, cùng nhân dân trong tỉnh ủng hộ, từng bước xóa bỏ được tình trạng khép kín trong công tác bổ nhiệm.

Nguồn nhân sự tham gia tuyển chọn được mở rộng không chỉ bó hẹp tại cơ quan, đơn vị mà bao gồm tất cả công chức, viên chức trong và ngoài ngành có đủ điều kiện đều được đăng ký dự tuyển. Thông qua việc tổ chức tuyển chọn, khuyến khích được công chức, viên chức trẻ, có năng lực tham gia tuyển chọn để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; góp phần trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Ánh Dương, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý là vấn đề mới, chưa có quy định cụ thể của Trung ương, kinh nghiệm thực tế triển khai không nhiều nên việc tổ chức thực hiện đôi lúc còn lúng túng. Tỉnh Bắc Giang thực hiện theo phương châm lấy Đề án của Bộ Nội vụ làm cơ sở, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế của địa phương, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Để công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành quy định về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý làm cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện thống nhất.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc để cắt giảm thêm một số cuộc thi và chứng chỉ không cần thiết đối với cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức. “Một số nơi, một số việc tôi thấy hơi hình thức", ông Long nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát thêm các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra trong Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ mà không thông qua thi tuyển.

“Các đồng chí cân nhắc thêm điều kiện có bằng tốt nghiệp đại học loại khá và có bằng thạc sỹ, vì thật ra một người học giỏi và có trình độ chuyên môn tốt thì bằng đại học là quan trọng, còn bằng thạc sỹ thì rất mức độ”, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thủ tướng: Công tác chỉ đạo, điều hành ngành Nội vụ có nhiều đổi mới, bám sát thực tiễn
Thủ tướng: Công tác chỉ đạo, điều hành ngành Nội vụ có nhiều đổi mới, bám sát thực tiễn

Ngày 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ, do Bộ Nội vụ tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN