Đánh giá đúng năng lực nhà thầu xây dựng để cạnh tranh lành mạnh

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh trong hội thảo “Đánh giá, sắp xếp năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam” do Bộ Xây dựng và Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 20/11.

 

Chưa có chuẩn đánh giá nhà thầu


Theo PGS. TS Vũ Khoa (Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam) thì việc đánh giá năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng và công bố công khai, minh bạch khi tham gia lựa chọn nhà thầu là cách mà nhiều nước trên thế giới và khu vực đang làm. Ở nước ta, đây là lần đầu thực hiện nên sẽ có nhiều ý kiến và quan điểm. Việc đánh giá này sẽ giúp cho công tác quản lý của Nhà nước tìm được nhà thầu có năng lực phù hợp với gói thầu, phù hợp với quy mô, tính chất của dự án, từ đó sẽ tránh được tình trạng “thông thầu” hay làm “hồ sơ đẹp” đang khá phổ biến gây nhiều hậu quả khi lựa chọn nhà thầu hiện nay.


Đại diện cho Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Lê Viết Ba khẳng định: “Ở nước ta hiện nay, nhiều nhà thầu yếu vẫn tham gia đấu thầu được vì chúng ta thiếu cơ chế quản lý và giám sát cụ thể. Vì vậy cần tổ chức lại lực lượng nhà thầu, phân loại, xếp bậc nhà thầu xây dựng theo tiêu chuẩn phù hợp với Việt Nam. Việc xếp bậc nhà thầu cần phải do Nhà nước đứng ra đánh giá vì việc này không chỉ liên quan đến lợi ích của chủ đầu tư mà còn liên quan đến lợi ích của rất nhiều đơn vị, ngành nghề khác”.


Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đánh giá, hiện nay theo tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm tại mẫu hồ sơ mời thầu, việc đưa thêm các quy định khác vào tiêu chuẩn không được hướng dẫn chi tiết mà chỉ dựa vào đánh giá của chủ đầu tư nếu thấy cần thiết cho việc thực hiện gói thầu. Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư có thể đưa thêm nhiều tiêu chí không sát thực, không phản ánh đúng năng lực, bản chất của nhà thầu đối với gói thầu, từ đó không lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự.


Việc đánh giá năng lực cạnh tranh trước hết là để các nhà thầu tự nhìn nhận xem doanh nghiệp mình có năng lực cạnh tranh đến đâu, đang đứng ở vị trí nào của thị trường. Từ đó tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Theo TS. Dương Văn Cận (Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam) thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng là khả năng tự tạo ra lợi thế cạnh tranh, có khả năng tạo ra năng suất, chất lượng cao và giá thành hạ so với doanh nghiệp khác nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo khả năng phát triển cho doanh nghiệp trong tương lai. Và muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp cần thường xuyên đầu tư, nâng cao năng lực quản lý bộ máy tổ chức, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tạo dựng uy tín, thương hiệu...

 

Cần tiêu chí cụ thể


Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu hiện nay còn nhiều vấn đề tranh luận. Theo PGS.TS Đinh Đăng Quang (Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng - Trường Đại học Xây dựng) thì các doanh nghiệp phải hoạt động ít nhất 3 năm mới được đưa vào danh sách đánh giá. Đồng thời phải phân chia lĩnh vực để đánh giá năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng như: nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng, nhà thầu tư vấn khảo sát xây dựng, nhà thầu thi công... với các phương pháp, hệ thống chỉ tiêu đánh giá cụ thể về giá trị sản xuất trung bình hàng năm, doanh thu bình quân, tỷ suất lợi nhuận doanh thu...


Theo Tiến sĩ Lê Văn Long (Trưởng phòng Cơ chế, Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng) thì nên phân chia quy mô hoạt động của doanh nghiệp theo doanh thu hàng năm, theo từng lĩnh vực như: doanh nghiệp xây lắp, tư vấn xây dựng và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các nhà thầu.
Còn dựa vào kinh nghiệm thực tế khi đấu thầu các dự án, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons) đề xuất việc đánh giá và lựa chọn nhà thầu, trước hết phải phân loại được nhà thầu theo các tiêu chí như: tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty tư nhân... Cần dựa vào năng lực huy động và quản lý các nhà cung cấp, nhà thầu phụ, huy động vốn bên ngoài, khả năng điều phối, quản lý hoạt động của nhà thầu để đánh giá. Ngoài ra, năng lực tài chính và năng lực quản lý, kinh nghiệm thi công của nhà thầu là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng, năng lực nhà thầu.


Như vậy, để đánh giá năng lực nhà thầu hiện nay, cơ quan nhà nước mà hiện nay đơn vị đứng ra quản lý là Bộ Xây dựng, cần có sự quản lý chặt chẽ và xây dựng được những tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu phù hợp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khẳng định: “Để đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp tình hình phát triển của thị trường hiện nay, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ sửa đổi Luật Xây dựng năm 2013. Trước mắt, năm 2012 sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 12, Nghị định 83 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình, trong đó có nội dung sửa đổi về điều kiện năng lực nhà thầu. Bộ đã giao cho Viện Kinh tế xây dựng nghiên cứu các tiêu chí và phương pháp đánh giá năng lực nhà thầu. Đây là việc cần thiết để tăng cường tính minh bạch, công khai và nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà thầu, đưa thị trường xây dựng phát triển cạnh tranh lành mạnh”.


Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN