Giải trình ý kiến đại biểu nêu về giảm trừ gia cảnh, thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế này có hiệu lực từ năm 2009, khi đó, giảm trừ gia cảnh khoảng 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Khi sửa đổi luật này năm 2013, giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng. Khi CPI biến động trên 20% thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh.
Đến năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết điều chỉnh việc giảm trừ gia cảnh này. Hiện nay, với những người có người phụ thuộc, thu nhập từ 17 triệu trở lên mới phải nộp thuế thu nhập. Người có hai người phụ thuộc thì có thu nhập trên 22 triệu mới phải nộp thuế thu nhập.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh này do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy, giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần.
Bên cạnh đó, CPI theo số liệu của Tổng cục Thống kê chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026.
“Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua vào tháng 5/2026, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình.
Về vấn đề sắp xếp nhà đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, do sáp nhập các huyện, xã nên thẩm quyền sắp xếp nhà đất là của Ủy ban nhân dân các tỉnh, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trụ sở để bán đấu giá cần phải điều chỉnh quy hoạch từ đất trụ sở sang đất ở, đất thương mại, định giá đất… thì mới có thể đấu giá. Bộ Tài chính sẽ đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vấn đề này.
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh hết sức khó khăn, nước ta đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, có nhiều thách thức, gây cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đang tập trung vào các nhóm giải pháp lớn; trong đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách giải quyết các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; chuẩn bị điều kiện tốt thu hút làn sóng chuyển dịch FDI, các bộ, ngành, địa phương phải thực sự đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là thúc đẩy các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; triển khai đẩy mạnh các động lực mới, mô hình mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành mới nổi, các ngành công nghiệp quan trọng như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, tập trung cải cách thể chế pháp luật, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương…
Tại hội trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề cập vấn đề tỷ giá và cho biết, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với Ngân hàng Nhà nước, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, tỷ giá có lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi rất sát...
Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung - cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, tỉ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm về sự điều hành của Chính phủ.
Đối với vấn đề tín dụng thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây cũng là vấn đề được đề cập ở nhiều kỳ họp trước và xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tín dụng tăng thấp có rất nhiều nguyên nhân. Đó là vấn đề đầu ra cả về xuất khẩu và đầu ra ở trong nước. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản đang gặp khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn các địa phương giải quyết - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Chính phủ vừa qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, qua đó sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp; từ đó sẽ kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo và kiến nghị với 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có giải pháp tăng cường như bảo lãnh các doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng, qua đó sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.