Ngân hàng Nhà nước công khai bán ngoại tệ để can thiệp thị trường

Những ngày gần đây, tỷ giá tăng rất “nóng” do nhu cầu mua ngoại tệ lớn, đặc biệt nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, xăng dầu sản xuất tăng cao. Song, điều này tạo áp lực rất lớn lên thị trường ngoại tệ.  

Chú thích ảnh
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN).

“Với áp lực này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có biện pháp mạnh mẽ hơn. Theo đó, kể từ hôm nay (ngày 19/4), trên website của NHNN, chúng tôi đã công bố công khai phương án việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có trạng thái ngoại tệ âm sang trạng thái ngoại tệ bằng 0 với mức giá 25.450 đồng/USD”, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết. 

Theo ông Phạm Chí Quang, đây được xem là biện pháp can thiệp rất mạnh của NHNN nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung thị trường, đảm bảo thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. 

Thời gian qua, tỷ giá liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. "DXY - chỉ số phản ánh sức mạnh USD tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5%, gây áp lực lớn lên các đồng nội tệ của nhiều nước, không riêng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt phía doanh nghiệp xăng dầu, sắt thép, cùng với việc nhiều doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ đã góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh", ông Phạm Chí Quang cho biết.

Trước những biến động mạnh của tỷ giá, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp với phát hành tín phiếu VND để giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, giảm áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Nhờ đó, so với nhiều đồng nội tệ khác, mức mất giá của tiền đồng vẫn đang ở ngưỡng chấp nhận được.

Thông tin tại họp báo quý I của NHNN diễn ra ngày 19/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Trong 3 tháng đầu năm, NHNN đã luôn theo sát diễn biến, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỷ giá hiện mất giá 4,9% so với đầu năm.

“Hiện lãi suất VND âm so với lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng. Đặt ra câu hỏi quản lý của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ hài hoà. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đảm bảo cũng là yếu tố khiến tỷ giá tăng thời gian qua. Ngoài ra, còn kể đến yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD”, lãnh đạo NHNN thông tin.

Phó Thống đốc khẳng định: “NHNN sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay. Dự trữ ngoại hối trong những năm qua vẫn được đảm bảo khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ”.

 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Kịch bản nào để tỷ giá USD/VND hạ nhiệt?
Kịch bản nào để tỷ giá USD/VND hạ nhiệt?

Giá USD liên tục tăng cao trong những ngày qua đã gây áp lực đến tỷ giá USD/VND. Riêng ngày 17/4, tỷ giá trung tâm tăng 90 đồng, tương ứng với mức tăng 0,37% so với ngày 16/4. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng kịch trần, giá USD trên thị trường tự do tiến sát 26.000 đồng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN