Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong số 9 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.
Trước đó, vào ngày 5/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đảm bảo hệ thống ngân hàng trước các sự cố
Các đại biểu cũng quan tâm đóng góp nhiều ý kiến, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, hiện nay các quy định về phòng ngừa rủi ro đã được quy định rất cụ thể ở Luật Tổ chức tín dụng hiện hành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước ban hành hàng loạt các thông tư, như Thông tư 41, Thông tư 13, Thông tư 22 và các thiết kế trong dự thảo Luật đang hướng tới để phòng rủi ro cho ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
“Nhưng có một vấn đề mà tôi đề nghị phải làm thêm đó là rủi ro cho hệ thống. Với sự cố ở ngân hàng SCB vừa qua, đặc biệt là với những ngân hàng trên thế giới, như trường hợp của Mỹ, họ có hệ thống ngân hàng mạnh nhưng vẫn để xảy ra những vụ đổ vỡ ngân hàng. Do đó, tôi đề nghị dự thảo Luật phải thiết kế thêm những phần phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố, sự việc, hệ thống ngân hàng của chúng ta có thể chống đỡ được ngay”, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị.
Phòng, chống các vi phạm, tội phạm lĩnh vực ngân hàng
Một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể nhằm tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng lợi ích nhóm, sở hữu chéo nhưng vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư; công tác phòng chống các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; xử lý tình huống người gửi, tiền rút tiền hàng loạt đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể khác trong dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Trí Cường (Đà Nẵng) cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? có giải quyết được tính căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần?
Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo dự thảo Luật và các cơ quan liên quan cần có đánh giá làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi. Mặt khác, theo đại biểu, “Trong trường hợp như quy định này cũng cần có sự đánh giá đối với các cổ đông đang hiện hữu có số vốn cao hơn quy định mới sẽ giải quyết như thế nào, có thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết”.
Nhấn mạnh về tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng Internet, viễn thông đang diễn biến phức tạp, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) đề nghị dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra, phòng chống loại tội phạm này.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết: “Hiện nay tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khi tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải nhanh chóng triển khai, truy xét dòng tiền, phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành không đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn kịp thời việc chuyển tiền vào các đối tượng. Sau khi lừa được tiền, các đối tượng liên tục chuyển tiền đi rất nhanh, nên số tiền thu hồi được rất ít so với số tiền của người dân bị lừa”.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, theo đại biểu, cần thiết ban hành quy định và rút ngắn thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết về nội dung này sau khi luật được ban hành.
Tăng cường biện pháp bảo mật thông tin khách hàng.
Bày tỏ đồng tình với việc ngân hàng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản, thông tin khách hàng phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng, song các đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cũng đề nghị dự thảo Luật cần cần quy định rõ trường hợp nào được cấp thông tin của khách hàng và tăng cường biện pháp bảo mật thông tin khách hàng.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 trong dự thảo Luật theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…
Quy định rõ về hoạt động động của Ngân hàng Chính sách xã hội
Tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung không quy định dữ trữ bắt buộc với ngân hàng này.
Cho ý kiến về ngân hàng chính sách, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với việc quy định về ngân hàng chính sách thuộc phạm vi điều chỉnh. Đại biểu đề nghị có giải thích rõ quy định: ngân hàng chính sách không thực hiện dự trữ bắt buộc như ngân hàng thương mại khác. Trong khi đó, ngân hàng chính sách tỷ lệ rủi ro rất cao, khả năng mất cân đối là khá lớn vì phần lớn cho vay đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn, không có tài sản đảm bảo. Nếu không có dự trữ bắt buộc sẽ rất khó khăn trong nguồn vốn nếu bị rủi ro. Ngân hàng Nhà nước bổ sung để tăng vốn mà không thể tăng vốn cho bù đắp rủi ro.
Cùng tham gia thảo luận về ngân hàng chính sách, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội cần phải được quy định và điều chỉnh trong Luật Các tổ chức tín dụng. Đại biểu đề nghị tại Điều 4 dự thảo Luật nên bổ sung thêm hai khái niệm quy định rõ hơn về ngân hàng Chính sách và tín dụng chính sách xã hội. Mặc khác, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét Điều 17 nên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định riêng cho Ngân hàng chính sách xã hội, còn sắp xếp thêm một điều khoản để cho Ngân hàng chính sách phát triển.
Tại Khoản 1, Điều 17, đại biểu cho rằng nên bổ sung thêm cụm từ “thực hiện an sinh xã hội” sau cụm từ “thực hiện chính sách kinh tế xã hội” để nhấn mạnh thêm mục đích, đối tượng, phạm vi hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra, tại khoản 2 của Điều 17 cần bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ và các khoản huy động khác nhằm bảo đảm khả năng thanh toán; chỉ rõ cơ cấu nguồn vốn của Ngân hàng chính sách; tại Khoản 3, bổ sung Ngân hàng chính sách xã hội không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và bảo hiểm tiền gửi.
Cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.