Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn vừa cho vay, không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng huy động, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt; trong đó, sở hữu chéo tác động đến những hành vi thao túng đến hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là các hoạt động tín dụng nên việc xử lý vấn đề này được Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra sát sao.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ tác động về vốn mà còn trong hoạt động như đầu tư, tín dụng nên rất nguy hiểm, làm méo mó hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung.
Để hạn chế tình trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ ra nhiều giải pháp. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, rà soát quy chế, chính sách, hoạt động của ngân hàng thương mại, đặc biệt trong các đề xuất sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, từ đó làm căn cứ pháp lý để quản lý và xử lý khi có sai phạm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra đúng trọng tâm trọng điểm, đánh đúng đánh trúng để xử lý tình huống phát sinh.
Đối với các ngân hàng nâng cao năng lực hệ thống kiểm soát nội bộ, để tự phát hiện sai phạm, để việc xử lý trong nội bộ ngân hàng là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Nhà nước trong việc sở hữu chéo. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch và xử lý nghiêm khi phát hiện ra các trường hợp này, để bảo đảm quyền và lợi ích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đó, tại báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do việc thực thi để đề xuất phù hợp.
Một trong các nguyên nhân nêu tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng là: “Việc kiểm soát sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng về nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan”.
Đối với quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần so với luật hiện hành, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; cần đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo như hiện nay.
Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần từ trên 3% đến dưới 5%, trên 10% đến dưới 15% và trên 15% đến dưới 20%, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động của chính sách đến thị trường chứng khoán.
Bên cạnh việc có các giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề về thao túng hoạt động ngân hàng, cần lưu ý sự ổn định của cơ cấu cổ đông lớn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo đó, có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp quyết định đòi hỏi sự đồng thuận giữa các cổ đông lớn nên cân nhắc việc hạ tỷ lệ sở hữu cổ phần như dự thảo Luật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định tại dự thảo Luật lộ trình phù hợp để các cổ đông hiện hữu thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố (tương tự như Luật Doanh nghiệp) nhưng không được mua thêm cổ phần, trừ trường hợp việc mua thêm cổ phần không vượt quá hạn mức sở hữu mới để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư.