Dẫu biết sinh tử là qui luật muôn đời, song sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba của dân tộc, đã để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam niềm tiếc thương, xúc động nghẹn ngào. Đặc biệt, trong ký ức của những người lính Điện Biên năm xưa, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một vị tướng đức độ, tài ba với những chiến công “truyền quốc sử”. Là người lính Điện Biên năm xưa, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu", Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu (85 tuổi, cư trú tại thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) luôn khâm phục trí tuệ, tài năng, đức độ của Đại tưởng Võ Nguyên Giáp. Ông bồi hồi xúc động tâm sự: "Tôi đau buồn quá! Hôm qua, hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đầu óc tôi choáng váng, tim đập rộn lên và nước mắt cứ chảy ra. Đối với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài ba kiệt xuất trên chiến trường, mà còn là một tấm gương lớn về sự hi sinh, xả thân cho vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tôi luôn kính nể trước tài đức và luôn học tập đạo đức, nhân cách của Đại tướng".
Tại Đại hội lần thứ 4 của Đảng (1976), Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp và nói chuyện thân mật với các đồng chí Hoàng Đăng Vinh, Bùi Quang Thận và Anh hùng Trịnh Tố Tâm - những người đã cắm cờ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn và thành phố Huế năm 1975. Ảnh: Văn Bảo/TTXVN |
Trong sự tiếc thương "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Khầu chia sẻ: Mỗi lần được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đều cảm thấy xúc động, đặc biệt lần gặp ở Thủ đô Hà Nội. "Vào giữa tháng 8 năm 1969, lúc đó tôi là Thiếu tá, Phó Chính ủy Trung đoàn 675b (nay là Lữ đoàn 368) đang chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên-Huế và nhận được điện của Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu đề nghị ra ngay Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Ngày 25/8/1969, tôi đã có mặt tại Hà Nội. Sáng 27/8/1969, sau khi hỏi thăm sức khỏe và tình hình chiến đấu của đơn vị, tôi được đồng chí Mậu thông báo là tham gia Đoàn Chủ tịch dự lễ mít tinh kỷ niệm Quốc kháng 2/9 tại Hội trường Ba Đình. Chiều 30/8, tôi cùng Đoàn Chủ tịch vào thăm Bác và dịp này đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã bắt tay, thăm hỏi và ân cần động viên tôi", ông Khầu nhớ lại.
Chia sẻ cảm xúc về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đặng Đức Song, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (79 tuổi, sống ở Hà Nội) nghẹn ngào tâm sự: Đây là một mất mát lớn lao không gì có thể bù đắp nổi. Đối với người lính như chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một người thầy tài ba về nghệ thuật quân sự mà ngoài đời còn là một người anh cả đức độ. Có thể nói cả cuộc đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến và theo đuổi không mệt mỏi lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân.
Ông Song cũng chia sẻ về những lần được gặp và kỷ niệm ấn tượng nhất là lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu tiên tại chiến trường Điện Biên Phủ. "Hôm đó, ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, mọi người đang đào hầm, hào, thu dọn chiến trường thì được lệnh tập hợp. Chúng tôi thấy một người trong tốp 7 - 8 người tiến đến, mặc áo bu dông xanh, cười rất tươi và lần lượt bắt tay từng chiến sĩ. Lúc đó một người trong đoàn mới giới thiệu đó là đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi bắt tay, Đại tướng đã căn dặn chúng tôi: "Thắng lợi rất lớn nhưng chúng ta đừng chủ quan! Phải giữ sức khỏe vì còn chiến đấu". Đồng thời, nhìn áo quần chúng tôi xộc xệch, Đại tướng ân cần nói: "Mấy hôm nữa các đồng chí sẽ có quân phục mới!". Đúng như vậy, mấy hôm sau, chúng tôi được cấp quân phục mới. Lúc đó, tôi sung sướng đến sửng sốt và không ngờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại giản dị, gần gũi, thân thiết với chiến sĩ đến thế. Đặc biệt, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi", ông Song tâm sự.
Cũng là người lính Điện Biên năm xưa, ông Đỗ Lê Sơn (81 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết: "Đêm 4/10, hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi đã khóc rất nhiều và cả đêm trằn trọc không sao ngủ được, chỉ mong trời nhanh sáng để tiếp tục cập nhập những dòng thông tin về Đại tướng". Khi trò chuyện với chúng tôi về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nước mắt ông Sơn vẫn cứ tuôn trào và nghẹn giọng không nói thành lời. "Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng lỗi lạc, một nhà chiến lược, chiến thuật quân sự có tầm nhìn xa trông rộng, mà còn là một người giản dị, yêu thương chiến sĩ, ân cần, gần gũi nhân dân...", ông Sơn chia sẻ.
Nguyễn Cường