Thủ đô kháng chiến Tân Trào sâu nặng với Đại tướng

Nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, người dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không khỏi bàng hoàng, xúc động và bày tỏ niềm tiếc thương đối với vị tướng tài ba, lỗi lạc của dân tộc. Mặc dù thời gian sống và hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tuyên Quang chỉ trong 3 tháng nhưng tình cảm của nhân dân địa phương đối với Đại tướng thật sâu nặng bởi sự giản dị, chân thành và gần gũi của ông.

Với ông Ma Văn Chước, 84 tuổi, ở thôn Lũng Búng, xã Tân Trào thì ký ức, tình cảm thiêng liêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó mọi người thường gọi là “anh Văn”, vẫn vẹn nguyên trong ông. Khi đó ông là thư ký Ủy ban hành chính lâm thời và thường xuyên tiếp xúc, giúp việc cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hay tin Đại tướng mất, ông Chước không cầm được nước mắt, tiếc thương người đồng chí, vị tướng tài ba của dân tộc: "Tôi biết từ hôm qua anh Văn đi rồi, tôi thương lắm, buồn lắm. anh Văn ở đây với chúng tôi trong thời gian không lâu nhưng ở xóm này, không nhà nào là anh không đến, những hình ảnh về anh, bà con sẽ mãi không quên. Tôi muốn xuống viếng anh lắm nhưng sức yếu rồi không đi được nữa".

Chiều 6/10, đồng bào từ khắp nơi trong cả nước đã tới ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội) để tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Rời nhà ông Chước, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Trung Dân, trong ngôi nhà sàn, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc năm xưa, những hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng vẫn được thế hệ sau trân trọng giữ gìn và đặt ở nơi trang trọng nhất. Bà Nông Thị Thu (con dâu ông Hoàng Trung Dân) cho biết: Thời kỳ cụ Giáp sống và hoạt động ở đây, bà còn nhỏ, nhưng khi hòa bình lập lại, bác Giáp đã về đây mấy lần, những lần gặp đó đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho bà con nơi đây. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi không riêng gì tôi mà cả thôn, cả bản này buồn lắm. Cụ Giáp là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Bà bày tỏ ý nguyện lập bàn thờ để con cháu và du khách thắp nén hương tỏ lòng biết ơn Đại tướng.

Tân Trào - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống và hoạt động trong 3 tháng nhưng đã in dấu những mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, trong lễ xuất phát của đoàn Giải phóng quân về giải phóng Thái Nguyên, trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó Đại tướng dẫn đầu đoàn quân Giải phóng tiến đánh giành chính quyền tại thị xã Thái Nguyên rồi tiến quân về Hà Nội. Cũng trong tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại tướng đã được bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Dẫu biết rằng con người không tránh được quy luật của tạo hóa là sinh - lão - bệnh - tử nhưng khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, từ người già tới trẻ ở xã Tân Trào đều xúc động và tiếc thương vị tướng tài ba, "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những ngày này, tại nhà văn hóa thôn Tân Lập sẽ tổ chức buổi nói chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày ở thôn Tân Lập. Ông Ma Anh Tuấn, trưởng thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, xúc động chia sẻ: bà con trong thôn xin chia buồn cùng gia đình của Đại tướng, đồng thời hứa sẽ luôn luôn học tập tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ở vùng đất cách mạng Tân Trào, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những câu chuyện, hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng sẽ mãi được lưu truyền và Đại tướng chính là hình mẫu, nhân vật lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.


Nguyễn Văn Tý

Người dân xếp hàng dài viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người dân xếp hàng dài viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dòng người dài hàng cây số đã kính cẩn xếp hàng dọc con đường Hoàng Diệu trong chiều ngày 6/10 để được viếng “vị tướng của lòng dân” tại tư gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN