Toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc đã tham dự lễ viếng.
Thay mặt Đại sứ quán, Đại sứ Phạm Sao Mai đọc điếu văn điểm lại chặng đường tham gia hoạt động cách mạng và công tác của đồng chí Lê Khả Phiêu, nêu bật những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc, bày tỏ niềm xúc động và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người chiến sĩ cách mạng đã trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, đã lãnh đạo Bộ đội tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ; một nhà chỉ huy quân sự dày dạn kinh nghiệm, một người lính Bộ đội Cụ Hồ với bản lĩnh can trường bất khuất. Đồng chí đã được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương tin tưởng giao nhiều trọng trách trong quân đội, được phong quân hàm Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, đất nước ta chuyển mình bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001), Đồng chí dành tất cả tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, xây dựng dân chủ ở cơ sở, củng cố đại đoàn kết dân tộc. Trong thời gian này, Trung ương Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối hết sức quan trọng, mang ý nghĩa chính trị lâu dài đối với sự nghiệp của Đảng, như Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, phát động cuộc vận động “Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta đạt được nhiều chuyển biến mới. Sau chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Trung Quốc tháng 2/1999 của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển quan trọng với việc hai bên ký kết “Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc” cuối năm 1999 và “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” cuối năm 2000, đặt nền tảng cho việc giải quyết 2 trong 3 vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước và tạo điều kiện để quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ và người chiến sĩ cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì đất nước, vì nhân dân. Trước anh linh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thế hệ cán bộ nhân viên Đại sứ quán nguyện đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trên con đường cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; không ngừng rèn luyện và phấn đấu, phụng sự đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc mở sổ tang trong hai ngày 14-15/8 để đại diện chính quyền sở tại và đại diện Đoàn ngoại giao tại Trung Quốc đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.