Đây là lần đầu tiên Đại hội ASOSAI được tổ chức bằng hình thức trực tuyến để thích ứng với điều kiện khi dịch COVID-19 đang bùng phát tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Quyết định và thông qua nhiều nội dung quan trọng
Tại các phiên họp của Đại hội và Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 56, 57, các SAI đã bàn thảo và cho ý kiến, quyết định thông qua nhiều nội dung quan trọng. Đại hội đã ghi nhận và đánh giá những kết quả đạt được của ASOSAI và các thành viên trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; thông qua Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2022 - 2027, trong đó tập trung hỗ trợ các SAI đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm ứng phó với các vấn đề, các tình huống mới; thông qua thành lập Nhóm công tác về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm công tác về kiểm toán quản lý khủng hoảng và các tình huống khẩn cấp. Điều này cho thấy ASOSAI luôn sẵn sàng, chủ động đối với những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu, các vấn đề mới của khu vực và đồng hành cùng các SAI thành viên ứng phó với thách thức trong nước.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Đại hội đã bầu chọn SAI Ấn Độ đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 16 vào năm 2024, đồng nghĩa với việc SAI Ấn Độ sẽ là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. Đại hội ASOSAI 15 cũng bầu các vị trí thành viên Ban điều hành, Ủy ban kiểm toán nhiệm kỳ 2021 - 2024. Ngoài, 5 thành viên mặc nhiên gồm các SAI: Việt Nam (Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021), Thái Lan (Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024), Trung Quốc (Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024), Nhật Bản (Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực của ASOSAI), Ấn Độ (Tổng Biên tập Tạp chí ASOSAI), 7 SAI dành số phiếu cao nhất được bầu vào Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 là: Saudi Arabia, Malaysia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pakistan, Philippines.
Sau vòng bỏ phiếu bầu Ban điều hành ASOSAI 2021-2024, Đại hội tiến hành bỏ phiếu bầu Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2021-2024. Kết quả kiểm phiếu, 2 thành viên được bầu vào Ủy ban Kiểm toán gồm: SAI Kazakhstan và Azerbaijan.
Tại Đại hội ASOSAI 15, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 đã chính thức chuyển giao vị trí Chủ tịch ASOSAI cho SAI Thái Lan, chính thức khép lại nhiệm kỳ 3 năm với vai trò lãnh đạo, nêu gương, cùng các thành viên Ban Điều hành và các SAI thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược của ASOSAI, đặc biệt là thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho biết: Trong điều kiện dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế và xã hội của hầu hết các quốc gia châu Á, cộng đồng ASOSAI đã chứng kiến sự đoàn kết vượt qua khó khăn của tất cả các thành viên với những nỗ lực, sáng kiến và giải pháp hết sức kịp thời về ứng phó của SAI trong bối cảnh đại dịch COVID-19. ASOSAI đã phát huy vai trò trong quản lý các vấn đề khủng hoảng và khẩn cấp; thiết lập Quỹ COVID của ASOSAI với số tiền 200,000 USD để chia sẻ khó khăn với các SAI thành viên và sự ra đời của 2 Nhóm công tác ASOSAI về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và Quản lý các vấn đề khẩn cấp...
Dù trong điều kiện họp trực tuyến, song Cuộc họp Ban điều hành 56 và Đại hội ASOSAI 15 vẫn đảm bảo việc bàn thảo và thông qua đầy đủ các chương trình nghị sự như thông lệ và quy định của ASOSAI. Điều này một lần nữa minh chứng cho tinh thần đoàn kết, phối hợp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công theo tinh thần của Hiến chương ASOSAI năm 1979.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội là Thông qua Tuyên bố Bangkok về chủ đề “SAI và việc chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới”. Điểm nổi bật của Tuyên bố Bangkok là đề xuất các SAI đưa ra các kiến nghị để từ đó có các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề môi trường để phát triển bền vững và cơ hội thiết kế lại một thế giới bền vững, hài hòa hơn.
Ngoài ra, Tuyên bố Bangkok thể hiện quyết tâm của ASOSAI trong việc sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong bối cảnh khu vực, thế giới luôn biến động không ngừng, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung, Đại hội ASOSAI 15 đã chính thức khép lại để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021-2024 của ASOSAI và thực hiện thành công mục tiêu của Tuyên bố Bangkok. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ cùng với các SAI thành viên chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để qua đó tăng cường năng lực sẵn sàng thích ứng với tình hình mới, nhất là sau đại dịch.
ASOSAI - Làm lợi cho tất cả
Một trong những nội dung được các SAI quan tâm và tham gia tích cực là Hội nghị chuyên đề lần thứ 8 với chủ đề: “ASOSAI và trạng thái bình thường mới - Năng lực phục hồi giữa thách thức” đã thu được những kết quả quan trọng, hoàn thành mục tiêu xây dựng một diễn đàn chung để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những thông lệ tốt và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chung của ASOSAI trong thời gian tới.
Hội nghị chuyên đề 8 đã tập trung thảo luận xoay quanh 4 tiểu chủ đề: SAI và việc thúc đẩy quản trị tốt trong trạng thái bình thường mới; Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công; Ứng phó của SAI với thiên tai và đại dịch.
Với vai trò là thành viên Ban Điều hành AOSAI 2021-2024, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã trình bày bài tham luận quan trọng tại cuộc họp tiểu chủ đề số 2 (Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu bền vững); đồng thời gửi bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc họp tiểu chủ đề số 3 (Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công).
Hội nghị Chuyên đề lần thứ 8 đã giúp cho các SAI thành viên có cái nhìn sâu sắc về vấn đề mang tính thời sự, tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện kiểm toán ở mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới. Việc thực hiện toàn diện và hiệu quả các giải pháp, đề xuất, sáng kiến đưa ra tại Hội nghị cũng thể hiện sự quyết tâm thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Bangkok của các SAI thành viên.
“Kiến thức được chia sẻ tại Hội nghị sẽ thực sự hữu ích trong việc xây dựng các khuôn khổ kiểm toán cho các SAI thành viên, theo đúng phương châm của các tổ chức quốc tế của các tổ chức kiểm toán tối cao là “Kinh nghiệm chung hữu ích cho tất cả” - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 Chanathap Indamra khẳng định.
Tiếp nối thành công của nhiệm kỳ 2018 - 2021, với vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2015 đến 2024, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng ASOSAI thông qua việc tích cực tham gia đóng góp vào các chương trình nghị sự của Ban Điều hành, đặc biệt trong việc thực hiện thành công các trụ cột trong Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027.
Kiểm toán Nhà nước cùng với các thành viên trong Ban Điều hành ASOSAI xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Tuyên bố Bangkok, đóng góp cho các hoạt động của Nhóm công tác ASOSAI về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và về kiểm toán quản lý khủng hoảng; xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tham gia các cuộc kiểm toán chung/phối hợp với các SAI khác về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tin tưởng, nhiệm kỳ 2021 - 2024 dưới sự dẫn dắt của SAI Thái Lan trên cương vị Chủ tịch và với bề dày lịch sử, kinh nghiệm của ASOSAI nói chung, các SAI thành viên nói riêng, ASOSAI sẽ có một nhiệm kỳ mới với nhiều thành công và mang đúng tôn chỉ của ASOSAI đó là: Làm lợi cho tất cả.