Đại biểu Quốc hội: 'Nhiều khi đối tượng cần trợ giúp trong các vụ xâm hại là bố mẹ chứ không phải trẻ em'

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2020, trong đó có chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này. Bà đề nghị cần có giải pháp lấy con người làm trung tâm.

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Phú Yên, phòng chống xâm hại trẻ em bao gồm cả xâm hại tình dục, bạo hành, bạo lực. Quan trọng nhất phải lấy con người làm gốc để hóa giải những vấn đề mà trẻ hay người lớn đang gặp phải.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền.

"Lý do vì sao người lớn lại gây bạo lực với trẻ, điều này cho thấy người lớn cũng có vấn đề cần xử lý, họ gặp phải những tình huống không tự mình giải quyết được và muốn trút bỏ nó lên những đối tượng không có khả năng chống đỡ, bao gồm trẻ em", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền lý giải.

Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đề nghị phải có giải pháp đồng bộ, từ pháp luật đến chính sách xã hội, trợ giúp tư vấn tâm lý dành cho các đối tượng liên quan đến xâm hại trẻ em. Bà nhấn mạnh, trong quá trình làm công tác xã hội, tư vấn trợ giúp tâm lý cho những đối tượng bị xâm hại, bạo hành, có nhiều trường hợp mà người cần trợ giúp tâm lý không phải trẻ em mà lại là cha mẹ, ông bà.

"Chúng ta phải có giải pháp lấy con người làm trọng tâm, hóa giải các mối quan hệ xã hội, không chỉ trong gia đình và trường học, để trợ giúp tốt hơn cho trẻ. Hi vọng rằng, sau chương trình giám sát của năm 2020 sẽ cho thấy bức tranh toàn diện hơn về những hạn chế, vướng mắc trong công tác chống xâm hại trẻ em và chúng ta sẽ có những nhóm giải pháp phân định rạch ròi trách nhiệm của từng cấp, ngành để có biện pháp bảo vệ trẻ em tốt hơn", bà Hiền kỳ vọng.

Đại biểu cho biết thêm, trong góp ý về Luật Giáo dục sửa đổi, bà đã đề xuất cần chuyên nghiệp hóa công tác xã hội trong trường học, tức là không chỉ liên quan trợ giúp tư vấn tâm lý mà cần phải kết nối các đối tượng như giáo viên, học sinh, nhân viên tư vấn. Ngoài ra, các chương trình, đề án hiện nay của ngành giáo dục cần thực sự đáp ứng nhu cầu của học sinh, giáo viên, lấy con người làm trung tâm.

Sáng 10/6, với 92,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9 vào năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

 

Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em
Năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 10/6, với 92,15% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN