Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề tăng giá xăng, giá điện là đúng tâm tư của cử tri

Cử tri nhiều địa phương đánh giá cao không khí sôi nổi tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội sáng 30/5, cho rằng việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận đã giúp các cử tri kịp thời theo dõi, nắm bắt được các thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực

Cử tri Ma Văn Đức, cán bộ nghỉ hưu, tổ 21, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) cho biết: Qua phiên thảo luận, qua các tham luận của các đại biểu, ông hiểu rõ hơn về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như: Năm 2018, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đà chuyển biến tích cực; 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt mức kỷ lục 7,08%; chỉ số giá tiêu dùng đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%... Điều này cho thấy, Chính phủ không chỉ tập trung cho con số tăng trưởng mà còn chú trọng vào chất lượng tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ý kiến đóng góp của các đại biểu về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới rất cụ thể, rõ ràng, sát với thực tế.

Cử tri Nguyễn Thái Hòa (Luật sư, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Những thành tựu của đất nước trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 có được, trước hết nhờ công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng được duy trì và thực hiện thường xuyên, liên tục, không có vùng cấm, qua đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ. Công cuộc phòng chống tham nhũng dưới sự khởi xướng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã góp phần quan trọng vào việc chỉnh đốn Đảng, răn đe và trừng trị những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, manh nha các dấu hiệu tham nhũng, làm trong sạch bộ máy và nâng cao sức mạnh của Đảng.

Phấn khởi trước những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên - Huế Bùi Như Ý tin tưởng rằng, trên đà quyết tâm lãnh đạo của Nhà nước, chúng ta sẽ đạt và vượt những chỉ tiêu đề ra trong năm 2019. 

Nhiều vấn đề “nóng” được quan tâm, phản ánh

Theo dõi phiên thảo luận, nhiều cử tri cho rằng các đại biểu Quốc hội phát biểu đi thẳng vào vấn đề, tập trung vào nhiều vấn đề nóng diễn ra gần đây liên quan đến quốc kế dân sinh.

Về tình hình giá điện tăng đột biến, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên - Huế Bùi Như Ý đồng tình ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và kiến nghị, cần sớm đưa ra kết quả thanh tra giá điện để giải đáp những băn khoăn của người dân đồng thời xem xét lại lộ trình tăng giá điện sao cho phù hợp với mức thu nhập đầu người của nước ta còn thấp, tránh dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao.

Cử tri Vi Thế Mạnh, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang chia sẻ: Việc tăng giá xăng, giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục… những hệ lụy kèm theo được đa số đại biểu nêu lên, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tôi đặc biệt ấn tượng với ý kiến tham luận của đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đã nêu đúng những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển doanh nghiệp hiện nay. Việc đề xuất các giải pháp, cách khắc phục của đại biểu Phúc trong vấn đề này cũng rất cụ thể, thiết thực.

Cùng chung quan điểm trên, cử tri Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty Thiên Triều An (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng, thời gian qua, công tác điều hành giá xăng, giá điện với mức điều chỉnh tăng cao khiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân lo lắng. Một khi chi phí đầu vào tăng đột biến như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét có các phương án quản lý, điều hành phù hợp, minh bạch hơn để không tạo gánh nặng thêm cho doanh nghiệp, người dân.

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Tâm, cán bộ Công ty Teakwang Vina (khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai) mong muốn chính quyền các cấp cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Về công tác điều hành giá xăng và điện trong thời gian qua, cử tri đề nghị Bộ Công Thương cần xem xét lại cách tính giá điện bậc thang mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang áp dụng hiện nay. Cử tri lo lắng mặc dù giá điện theo thông báo điều chỉnh tăng hơn 8%, tuy nhiên trên thực tế hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình đều tăng rất cao, gấp 2 - 3 lần. Cử tri mong muốn việc quản lý, điều hành giá điện sẽ được minh bạch, rõ ràng hơn, đặc biệt tiến tới sẽ xóa bỏ độc quyền đối với quản lý và cung ứng điện.

Cử tri Trần Thị Ngọc (54 tuổi, trú phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc ( Đoàn Bình Thuận) về tình hình tội phạm ma túy đang ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi với số lượng lớn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ trong tương lai. Cử tri cho rằng, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng xử lý nghiêm khắc và ngăn chặn các đường dây ma túy vận chuyển ngay từ  khu vực biên giới, tránh để ma túy xâm nhập vào đời sống nhân dân. Cử tri Trần Thị Ngọc cũng kiến nghị, Nhà nước cần đầu tư xây dựng quan tâm đến an sinh xã hội, các đối tượng chính sách.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Cư tri Nguyễn Thái Hòa (Luật sư, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, không khí và trách nhiệm các đại biểu Quốc hội tai phiên thảo luật sáng nay là rất trúng vấn đề, thời sự và quyết liệt.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thái Hòa, có những mặt trái mà Quốc hội và các cơ quan chức năng Nhà nước cần quan tâm, có biện pháp khắc phục, xử lý để góp phần đảm bảo an ninh trật tự và ổn định xã hội. 

Từ thực tế liên tục xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, Luật sư Nguyễn Thái Hòa đề nghị Quốc hội làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu trong hệ thống chính trị như thế nào khi để xảy ra sai phạm lớn như vậy; trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí sử dụng đất đai, môi trường tại các tỉnh, thành phố.

Luật sư Nguyễn Thái Hòa đề nghị Quốc hội quan tâm thảo luận, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong vấn đề xuống cấp của đạo đức học đường; gian lận thi cử và lạm dụng tình dục trong môi trường sư phạm.

Nhóm PV TTXVN
Đại biểu Quốc hội nói gì về việc giá điện tăng cao gây bức xúc cử tri?
Đại biểu Quốc hội nói gì về việc giá điện tăng cao gây bức xúc cử tri?

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chưa đồng tình với giải trình của Bộ Công Thương về việc giá điện tăng cao bất thường, trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị báo chí cần thông tin trung thực, khách quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN