Trả lời chất vấn về việc có tổ chức công đoàn đã làm đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra toà án nhưng đều bị toà án trả lại, Chánh án toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, một trong những vướng mắc là do các tổ chức công đoàn không được người lao động uỷ quyền nên thông tin ra đến toà không chính xác, chưa thống nhất.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, phần trả lời như vậy là chưa thoả đáng. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu buộc công đoàn phải nhận được giấy uỷ quyền có đóng dấu, chữ ký của công chứng thì “đi vượt qua cả Hiến pháp”. "Tôi là giáo viên dạy môn này, tôi là người đi tranh tụng về môn này thì tôi không bao giờ dạy sinh viên thế cả vì Hiến pháp là to nhất. Chúng ta phải tôn trọng Hiến pháp và không thể đặt ra quy định khác", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng không đồng tình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chỉ được xử lý dân sự. "Xử lý hình sự hay không thì là vấn đề khác. Nhưng chiếm đoạt bảo hiểm người lao động là hành vi vi phạm pháp luật, nó phải được xét xử chứ không phải chỉ là đi khởi kiện", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Ông cũng cho rằng, không thể buộc tổ chức công đoàn hay một tổ chức nào hay một người lao động nào đại diện cho người lao động đứng ra khởi kiện trước tòa. "Hàng trăm nghìn người lao động tại sao lại bắt họ ra toà án, toà án nào xét xử được và dường như chúng ta đang đi theo hướng khác, gây khó khăn cho chính bản thân toàn hệ thống của chúng ta", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tranh luận lại với Chánh án Nguyễn Hoà Bình sau khi đã được trả lời, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, Chánh án đưa ra giải pháp sắp tới sẽ tiến hành xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm nhưng đây có thể xem là giải pháp để thu hồi, giảm bớt nợ bảo hiểm xã hội nhưng không phải là giải pháp thực hiện quyền khởi kiện của công đoàn.
"Hiện nay có 4 luật quy định quyền của tổ chức công đoàn được đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Quyền của tổ chức công đoàn chính là trách nhiệm của tổ chức công đoàn với người lao động. Nếu pháp luật quy định như thế nhưng thực tế lại không thể thực hiện được thì sẽ gây bức xúc cho cử tri và người lao động trong thời gian qua. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiến hành nghiên cứu rà soát để tháo gỡ vướng mắc này", đại biểu Trương Thị Bích Hạnh đề xuất.
Phản hồi lại tranh luận của các đại biểu về vấn đề này sau khi giải lao sáng nay, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết, thời gian tới đề nghị Quốc hội cho rà soát lại các văn bản pháp quy để; trong chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có Luật tố tụng lao động thì đề nghị dự thảo luật cần giải bài toán về công đoàn đại diện cho người lao động.
Trước đó, là người đầu tiên chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình sáng nay, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh đã nêu câu hỏi: Tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã làm đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra toà án nhưng đều bị toà án trả lại và đề nghị Chánh án toà án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân của vướng mắc trên là do đâu và giải pháp nào để giải quyết.