Nợ bảo hiểm xã hội: Muốn hay không cũng phải giải quyết

Đây là khẳng định của Chánh án toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trong phát biểu giải trình đầu tiên trước Quốc hội trong phiên chất vấn sáng nay 18/11.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho biết, thời gian qua tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, gây bức xúc trong xã hội nhưng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. 

Đại biểu này cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã làm đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra toà án nhưng đều bị toà án trả lại. Vì vậy, đề nghị Chánh án toà án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân của vướng mắc trên là do đâu và giải pháp nào để giải quyết?

Chánh án toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Chánh án toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện có 102.900 đơn vị nợ bảo hiểm của 2,6 triệu lao động với số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.840 vụ và yêu cầu trả khoảng 6.000 tỷ đồng, toà án các cấp đã xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.

Theo quy định của luật thì giao cho Bảo hiểm có quyền kiểm tra, xử phạt; sau kiểm tra, xử phạt hành chính xong thì toà mới giải quyết. Vì vậy toà có công văn yêu cầu không không thụ lý đơn này nữa do không đúng quy định tố tụng hình sự hiện hành.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, sở dĩ có việc này là do xuất phát từ vụ kiện của bảo hiểm, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và toà án thấy kháng nghị đúng nên phải tuyên huỷ bản án mà toà đã xử.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng cho biết, thời gian qua, các tổ chức công đoàn đã khởi kiện 138 vụ.  Tuy nhiên trong quá trình xét xử vướng một vấn đề như: Các tổ chức công đoàn không được người lao động uỷ quyền nên thông tin ra đến toà không chính xác, chưa thống nhất. Có nhiều đại diện công đoàn sau khi khởi kiện mời ra toà thì không ra.

Bên cạnh đó, đây là vụ kiện dân sự nên các bên đơn và bị đơn bình đẳng và các bên có quyền thoả thuận. Tuy nhiên trong trường hợp này các tổ chức công đoàn không được quyền thoả thuận. Tổ chức công đoàn cũng không thể đứng trước toà mà tăng tiền đọng bảo hiểm cho doanh nghiệp này, giảm tiền đọng bảo hiểm cho doanh nghiệp kia, hay để thoả thuận các điều kiện về dân dự nên vụ án không giải quyết được.

Vì vậy, "sau phiên họp về tư pháp vừa rồi, tôi có chủ trì một phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo công đoàn, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành khác thì tất cả đều thông nhất không kiện được", Chánh án Nguyễn Hoà Bình thông tin thêm.

Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định nợ bảo hiểm xã hội là một thực tế nóng, muốn hay không cũng phải giải quyết để làm sao để nợ bảo hiểm phải được khắc phục. 

"Quốc hội đã quyết định, sau 1/1/2018, các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc thì coi như là tội phạm, trách nhiệm của toà án các cấp nếu vụ án bị xét xử, cơ quan điều tra vào cuộc thì toà án các cấp phải thụ lý.

Riêng trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn xử lý các vụ án hình sự liên quan đền các vụ án đến bảo hiểm xã hội", Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết.
Xuân Phong/Báo Tin tức
Sáng nay, Quốc hội chất vấn về công tác xét xử các vụ án tham nhũng
Sáng nay, Quốc hội chất vấn về công tác xét xử các vụ án tham nhũng

Trong ngày làm việc cuối cùng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN