Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2020, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho tháng 1 vẫn còn dư âm rất tích cực về kết quả kinh tế - xã hội của năm 2019, tháng 2 thì dư âm giảm dần nhưng lại được bù lại bởi tháng Tết, và tháng 3 bắt đầu bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tăng trưởng giảm xuống còn 3,82%, như vậy nền kinh tế bắt đầu cảm nhận sự giảm tốc của tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đến tháng 4, khi các nước trên thế giới chìm trong đại dịch COVID-19 thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước giảm rõ rệt. Nhìn vào tốc độ thu ngân sách nhà nước thông qua thu thuế, có thể thấy tốc độ thu thuế tháng 4 giảm và đến tháng 5 tiếp tuc giảm hơn nữa. Như vậy, trong tháng 6 này dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ khó mà duy trì được.
“Quý 2, tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ thấp hơn quý I và như vậy thì cả 6 tháng đầu năm dự báo tốc độ tăng trưởng khoảng từ 3 đến 3,4 %”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên dự báo.
Ông Nguyễn Đức Kiên hy vọng trong những tháng tới, với chiến lược phục hồi “nền kinh tế hai bước” của Chính phủ, chúng ta sẽ thực hiện rất tốt. Việt Nam khắc phục được COVID-19, không lây nhiễm trong cộng đồng.
“Chúng ta sẽ điều chỉnh lại nền kinh tế để gia nhập vào chuỗi giá trị hình thành mới trong quý 4/2020 và những tháng đầu năm của 2021. Hy vọng trong năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi thì nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ phục hồi thêm”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Liên quan đến việc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Việt Nam cần công bố hết dịch COVID-19 trong nước vì tỷ lệ người nhiễm ít, tỷ lệ người đang phải điều trị không cao, không có người chết.
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước để phát triển. Trước tình hình diễn biến dịch vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, do những chỉ đạo chung sớm và kịp thời, từng địa phương vận dụng và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nên tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người, hiện là 332 người.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước nhưng chỉ 17 nước và vùng lãnh thổ là đối tác quan trọng nhất, họ chiếm 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch tới Việt Nam. Chúng ta cần lập trình giám sát mở cửa với những nước này theo lộ trình thoả thuận 2 bên, thận trọng.
Theo số liệu từ các cơ quan dự báo, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%. Đầu tư nước ngoài có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 15%...
Từ đây, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị với kết quả chống dịch của mình, Việt Nam cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 50 người, thực tế là 3 - 4 người; tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người/1 triệu dân thực tế chỉ 0,2 người và đến thời điểm này Việt Nam không có người chết.
"Tóm lại, bằng những lộ trình mở cửa từng bước, để vừa khai thác thị trường nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, thị trường trong nước phát huy sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.