Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn một số đại biểu xung quanh những giải pháp để hạ giá thành mặt hàng này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Tái đàn là giải pháp cốt lõi
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để đưa giá thịt lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường giá mặt hàng này đang rất cao và khó kiểm soát.
Để gia tăng thêm nguồn cung, mới đây Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương ký hợp đồng nhập khẩu lợn từ Thái Lan. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu những khó khăn về nguồn cung mặt hàng này trong thời gian tới cũng như đưa giá thành thịt lợn xuống mức thấp hơn.
Dù vậy, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời bởi vấn đề cốt lõi là phải tái đàn. Việc tái đàn không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn mà ngay cả tại các hộ đơn lẻ mới là giải pháp hữu hiệu.
Thực tế hiện nay, lượng chăn nuôi trong các hộ dân cũng khá nhiều, nhưng do dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19 khiến khó khăn lcàng thêm chồng chất.
Cũng chính vì thế gây khó khăn nguồn cung về con giống, dẫn đến giá thành bị đội lên rất nhiều, ảnh hưởng tới các hộ chăn nuôi.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là tâm lý người chăn nuôi vẫn lo sợ dịch bệnh quay trở lại sẽ khiến họ trắng tay nên nhiều gia đình vẫn không dám mạnh dạn đầu tư tái đàn.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tất nhiên phải có kiểm soát như chăn nuôi theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn chất lượng.
Hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ hơn khâu trung gian bởi nhiều doanh nghiệp lớn dù nguồn cung dư thừa, nhưng cung cấp ra thị trường rất "nhỏ giọt" nhằm khống chế giá, dẫn đến giá mặt hàng thịt lợn tăng cao thời gian qua.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên-Huế): Hỗ trợ để kích cầu sản xuất
Mặc dù Việt Nam đã có mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị công nghệ cao từ Đức hay Nhật Bản, nhưng đến nay mô hình chăn nuôi vẫn theo hướng tự phát, kinh tế hộ là chủ yếu hoặc theo nhóm trang trại nhỏ chứ không có quy mô đại tập trung.
Chính vì vậy, tâm lý lo ngại vì dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 nên người dân ngại vay vốn ngân hàng khiến lãi mẹ đẻ lãi con. Theo tôi, giá cả tăng do thị trường điều tiết, cung không đủ cầu sẽ dẫn đến biến động về giá. Vì vậy, vừa qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng điều cần nhất là hỗ trợ người chăn nuôi để kích cầu sản xuất.
Chẳng hạn như việc cho vay vốn ngân hàng lãi suất thấp để chăn nuôi, sau đó Nhà nước đứng ra bao tiêu bởi nếu tái đàn ồ ạt, cung vượt cầu thì lúc đó giá thịt lợn xuống thấp, người chăn nuôi thiệt hại và ai đứng ra bù lỗ cho họ.
Hơn nữa, hiện nay khâu trung gian chủ yếu tập trung tại các trang trại lớn, còn tại các hộchăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chỉ bán cho lò mổ tư nhân hay tư thương bán thịt tại chợ. Vì vậy, khi có biến động xảy ra, người chăn nuôi vẫn là người chịu thiệt hại nên rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ phía cơ quan Nhà nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng
Trước việc giá thịt lợn tăng cao, tôi nghĩ rằng cần chia sẻ với ngành nông nghiệp bởi những thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 đã gây nên cú sốc về giá cả.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, người nông dân không làm chủ được nên vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, lương thực phải được Nhà nước quan tâm, chú ý.
Thực tế cho thấy, nguồn cung thiếu thì giá sẽ biến động. Cũng từ việc giá thịt lợn ở mức quá cao khiến sức cầu giảm, đa số người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các mặt hàng khác thay thế vào bữa ăn hàng ngày.
Vì vậy, vừa qua Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn nhằm tăng nguồn cung, giải quyết vấn đề ổn định thị trường và giảm giá thịt lợn.
Tuy nhiên, do tâm lý quen sử dụng thịt giết mổ trong ngày nên chúng ta cũng cần khuyến khích người dân làm quen dần với các mặt hàng thịt lợn đông lạnh, gà, bò, cá và thay đổi dần thói quen sinh hoạt trước đây. Hơn nữa, việc giá tăng hay giảm là do thị trường tự điều tiết và người dân tự điều chỉnh sinh hoạt.
Tuy vậy, qua việc này cũng cần có cái nhìn thấu đáo hơn và quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực nông nghiệp, thay vì chỉ chú trọng vào những vấn đề công nghiệp công nghệ cao.
Nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế khâu trung gian, nhưng theo tôi khâu này đôi khi cũng rất tốt vì giúp người nông dân tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, rất cần sự can thiệp của Nhà nước bởi khoảng cách từ chỗ chăn nuôi về đến thành thị quá xa, dẫn đến chi phí lưu thông làm đội giá thành. Vì vậy, giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng sẽ kết nối từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ gần hơn và làm giảm chi phí trung gian.
Không những thế, nếu tại vùng nông thôn cơ sở hạ tầng được kết nối sẽ có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.
Thực tế cho thấy, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp có rất ít nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, thậm chí doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này cũng đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, phải làm sao giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và các vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết đơn giản hơn rất nhiều.