Cử tri Quảng Nam mong muốn ổn định cuộc sống sau các dự án kinh tế trọng điểm

Ngay sau khi Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV kết thúc, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam đã tiếp xúc cử tri tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để báo cáo kết quả của kỳ họp đến cử tri.

Chú thích ảnh
Một góc Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tại các điểm tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin tới cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước thời gian qua và những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri các địa phương trong tỉnh đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Cử tri kiến nghị đến các đại biểu những vấn đề bức xúc đang đặt ra tại địa phương liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, quy hoạch, chính sách và công tác cán bộ…

Nhiều cử tri cho rằng nằm trong vùng quy hoạch vùng Đông của tỉnh cũng như Khu kinh tế mở Chu Lai, người dân địa phương bị ảnh hưởng lớn từ việc đền bù, giải tỏa, tái định cư nhường đất phục vụ các dự án đầu tư. Bức xúc nhất là việc tách thửa cho con, cháu làm nhà không thực hiện được, nhiều hộ phải ở chung trong một nhà rất chật chội, bức bách. Vì vậy, cử tri mong muốn các ngành chức năng tạo điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống sau tái định cư. Ngoài ra, cử tri kiến nghị về vấn đề chậm tăng lương cho cán bộ hưu trí, chế độ chính sách cho người có công, chế độ cho thanh niên xung phong chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng đời sống của thân nhân liệt sĩ, người có công...

Trên lĩnh vực xây dựng, một số cử tri cho biết, nhiều tuyến giao thông nông thôn xuống cấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, đi lại và đe dọa tính mạng của nhân dân, nhất là trong mùa mưa bão. Nhiều tuyến đường không có điện chiếu sáng, biển báo giao thông, xảy ra các vụ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường, cử tri kiến nghị về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông lớn trong tỉnh gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất sản xuất và đời sống người dân...

Đặc biệt, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn về vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp nghiêm trọng. Một số vấn đề nổi cộm trên địa tỉnh như tình trạng mất an ninh trật tự gần đây diễn biến phức tạp, tội phạm liên quan đến trộm cắp, ma túy, cờ bạc, tín dụng đen, nạn bảo kê xã hội đen, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong nhân dân, nhất là việc nhiều thanh thiếu niên mới lớn sử dụng ma túy đá gây ra ảo giác, mất kiểm soát hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự ở nông thôn...

Cử tri đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, xử lý nghiêm các đối tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí với tinh thần không có “vùng cấm” nhằm góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước và tạo dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân...

Một số cử tri các địa bàn miền núi kiến nghị Trung ương, tỉnh xem xét có hướng hỗ trợ nguồn vật liệu thay thế vật liệu gỗ cho người dân làm nhà cũng như triển khai hiệu quả Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về thực hiện sắp xếp, bố trí lại dân cư miền núi của tỉnh. Cử tri Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam, huyện Nam Trà My cho rằng chủ trương sắp xếp, xây dựng lại các khu dân cư trên địa bàn huyện là đúng đắn, người dân đồng tình, ủng hộ.

Việc thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư đã mang lại những hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc do không tìm được nguồn vật liệu thay thế vật liệu gỗ để người dân làm lại nhà ở nơi mới. Với một địa phương miền núi cao, nếu không sử dụng vật liệu gỗ để làm nhà người dân không biết sử dụng vật liệu nào để thay thế. Còn thực hiện xây dựng nhà bằng các vật liệu gạch, cát, xi măng như miền xuôi vừa không phù hợp với phong tục tập quán, chi phí đắt, nguồn vốn hỗ trợ theo nghị quyết sẽ không đủ để thực hiện. Do đó, ngành chức năng cần nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ người dân vật liệu thay thế gỗ để làm nhà, đáp ứng yêu cầu căn nhà làm mới phải sử dụng ổn định lâu dài 10 - 15 năm.

Tại các buổi tiếp xúc, lãnh đạo các ngành, địa phương và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã giải đáp, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri kiến nghị. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Đoàn sẽ chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương nghiên cứu, giải quyết theo quy định.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường khẳng định, sau 22 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam phát triển như ngày hôm nay nhờ sự đồng thuận, đóng góp rất lớn của nhân dân toàn tỉnh. Để tiếp tục đưa Quảng Nam phát triển bền vững, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, định hướng của lãnh đạo tỉnh là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đến làm ăn, phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương. Tỉnh ưu tiên thực hiện tốt việc tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại dân cư cho bài bản, phù hợp với quy hoạch phát triển trong giai đoạn mới.

Những phản ánh, kiến nghị của cử tri rất xác đáng, trong phạm vi trách nhiệm của địa phương, thời gian tới, các ngành liên quan sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn giúp người dân ổn định cuộc sống.

Trần Tĩnh (TTXVN)
Cần giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri
Cần giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri

Ngày 24/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu Quốc hội tổ số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiếp xúc cử tri hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN