Theo Đại tá Nguyễn Trần Hiếu, nguyên Chính ủy Trường Quân sự thành phố Cần Thơ, các câu hỏi được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ đã đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nắm chắc tình hình, trả lời đúng nội dung được đại biểu đặt ra như tỷ lệ thất nghiệp, việc xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm.
Cử tri Nguyễn Trần Hiếu cho biết, ông rất hài lòng sau khi xem Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn, đặc biệt tin tưởng vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới. Đối với việc nâng chế độ cho cán bộ, viên chức ở cấp xã, phường, cử tri Nguyễn Trần Hiếu cho rằng, hiện nay công việc ở cấp này rất nhiều, nhưng số lượng cán bộ lại ít, dẫn đến vấn đề quá tải ở cơ sở. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức cấp xã, cũng như tăng mức đãi ngộ đối với những cán bộ trực tiếp làm việc ở cơ sở, qua đó phát huy hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đại tá Nguyễn Trần Hiếu nhận xét, Chủ tọa đã điều hành tốt các phiên chất vấn, đảm bảo thời gian hỏi của đại biểu và trả lời của các Bộ trưởng. Các đại biểu đã có sự chuẩn bị kỹ càng vấn đề chất vấn, những nội dung hỏi đã đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri.
Nói về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm, cử tri Nguyễn Trần Hiếu cho rằng, hiện nay, quy trình tuyển dụng, đào tạo cán bộ, viên chức từ cơ sở đến cấp trên đã đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, khi xem xét bổ nhiệm, thăng chức thì cần lưu ý bởi theo dõi những vụ vi phạm liên quan đến cán bộ, công chức vừa qua trên cả nước thì đa phần là những cán bộ có chức vụ.
“Khi chưa có chức vụ thì chưa xảy ra tiêu cực, nhưng khi nắm giữ chức vụ rồi thì có thể vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan đã dính vào sai phạm. Do đó, tôi cho rằng việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên cần phải được quan tâm, quán triệt sâu sắc hơn nữa”, cử tri Nguyễn Trần Hiếu nói.
Theo dõi đầy đủ phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ, cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) nhận xét công tác điều hành các phiên chất vấn đã được Chủ tọa kỳ họp thực hiện tốt, thể hiện sự linh hoạt, đúng giờ, đi vào trọng tâm, qua đó giúp nhiều đại biểu có thể tham gia chất vấn. Đây là điều quan trọng bởi những nội dung nêu ra chất vấn là tổng hợp ý kiến cử tri của các địa phương trên cả nước, những vấn đề bức xúc đang được dư luận, xã hội quan tâm.
Với số lượng hơn 100 đại biểu đăng ký tham gia chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và gần 70 đại biểu với Tổng Thanh tra Chính phủ, cử tri Dương Văn Bé đánh giá không khí trên nghị trường thật sự sôi nổi. Những câu hỏi mà đại biểu đặt ra rất cụ thể, thể hiện sự tích cực, thiết thực bởi đây là những vấn đề mà người dân cả nước, trong đó có người dân thành phố Cần Thơ quan tâm. Tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nắm rõ các vấn đề, thể hiện kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo ông Dương Văn Bé, trong lĩnh vực Nội vụ, hiện nay có nhiều vấn đề bức xúc như tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc hay chế độ, chính sách cho cán bộ ở cơ sở. Do đó, việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Kỳ họp Quốc hội lần này để xác định, đánh giá lại những kết quả công tác trong giai đoạn vừa qua, đồng thời nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục là xác đáng, thiết thực.
“Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp những thắc mắc của đại biểu thỏa đáng. Bộ trưởng cũng đưa ra những định hướng để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới như việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hay việc xử lý sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức. Tôi đánh giá Bộ trưởng đã trả lời được hơn 90% vấn đề chất vấn”.
Đối với lĩnh vực Thanh tra, cử tri thành phố Cần Thơ cho rằng đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong xã hội như lãng phí, tham ô, tham nhũng. Những câu hỏi được các đại biểu Quốc hội nêu ra chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan đến nhiều nội dung trong công tác thanh tra, nhưng trọng tâm chính là giúp việc thanh tra đạt hiệu quả hơn, chống lãng phí, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy.
Qua theo dõi phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, ông Bé nhận xét đã phần nào đi đúng vào nội dung được đại biểu nêu ra, đồng thời đưa ra được biện pháp giải quyết cho những vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, cũng còn một vài câu hỏi chưa được Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời thỏa đáng yêu cầu của đại biểu.
Theo cử tri Dương Văn Bé, thời gian qua xảy ra nhiều vụ án lớn, liên quan nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, đất đai, thậm chí có cán bộ cao cấp phải vướng vào lao lý. “Ngành Thanh tra có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cục. Do đó, cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, phong cách lãnh đạo trong ngành này từ Trung ương đến địa phương. Cán bộ thanh tra trước tiên phải gương mẫu, tiêu biểu, chí công vô tư, mình phải làm sạch được mình thì mới có thể làm sạch người khác”, cử tri nói.
Kiến nghị Tổng Thanh tra cũng như Thanh tra Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, thanh tra ở cơ sở, cử tri thành phố Cần Thơ cho rằng thời gian qua, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương thực hiện rất tốt, xử lý nhiều đại án nhưng còn tình trạng “tham nhũng vặt” cũng cần được xử lý triệt để. Vấn đề này có thể ở một địa phương là nhỏ nhưng xảy ra ở nhiều nơi thì sẽ trở thành vấn nạn lớn cho đất nước, bởi hành vi “tham nhũng vặt” rất khó để phát hiện. Thanh tra cần tăng cường kiểm tra, giám sát toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, kể cả ở địa phương chứ không chỉ dừng lại ở một số bộ, ngành như hiện nay.