Cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ mở rộng hợp tác

Ngày 24/10, tại Trung tâm Thành phố Mới, Bình Dương, Hội chợ quốc tế Bình Dương về máy móc, thiết bị chế biến gỗ và nguyên liệu gỗ 2018 đã khai mạc thu hút trên 780 gian hàng của hơn 180 doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Australia và Việt Nam. 

 

Chú thích ảnh
 Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội chợ. 

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết, trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội chợ là sự kiện nổi bật của ngành chế biến gỗ Việt Nam để tiếp cận với công nghệ hiện đại. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp đánh giá, lựa chọn tại chỗ nhiều sản phẩm máy móc mới, tiên tiến với công nghệ cập nhập theo hướng tự động hóa của nhiều nhà máy sản xuất uy tín trên thế giới đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…

Hội chợ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu đến thị trường toàn cầu. Đồng thời, là cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia gặp gỡ, trao đổi, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ hợp tác lâu dài vì sự phát triển bền vững cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là trung tâm của ngành công nghiệp gỗ ở Việt Nam, có lực lượng lao động dồi dào, đội ngũ doanh nhân năng động, kết nối với các khu vực gỗ chủ chốt ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Khách tham quan hội chợ

Cùng với môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 12,6%. Theo đó, năm 2017 năng lực sản phẩm gỗ và kim ngạch xuất khẩu đạt của tỉnh Bình Dương đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của Việt Nam.

Cùng với quá trình hội nhập của nền kinh tế với thế giới, ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tăng trưởng liên tục ở mức trên 10%/ năm, kinh ngoạch xuất khẩu năm 2017 đạt 8 tỷ USD và năm 2018 dự kiến đạt 9 tỷ USD, có vị trí thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu đến năm 2025, ngành gỗ Việt Nam cũng phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD.

Diễn ra trong 4 ngày từ 24 - 27/10, Hội chợ quốc tế Bình Dương về máy móc, thiết bị chế biến gỗ và nguyên liệu gỗ 2018 còn có các hoạt động như: hội thảo chuyên đề về công nghệ tự động hoá trong ngành gỗ, về nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ và châu Âu, các hoạt động giải trí, dịch vụ phục vụ hội chợ.       

Tin, ảnh: Hải Âu (TTXVN)
 Doanh nghiệp gỗ Việt Nam chưa 'mặn mà' với thị trường nội địa
Doanh nghiệp gỗ Việt Nam chưa 'mặn mà' với thị trường nội địa

Với thị trường 93 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt giá trị khoảng 2 - 3 tỷ USD/năm, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn vẫn chưa mặn mà với thị trường trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN