Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù ngành sản xuất đồ gỗ nói chung và đồ gỗ mỹ nghệ nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đạt kim ngạch xuất khẩu lớn , nhưng lợi nhuận và giá trị gia tăng của sản phẩm đồ gỗ chưa cao do chi phí đầu vào ở trong nước tăng mạnh. Nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu, nên giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu thấp.
Trên thực tế 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước đang thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ 20% là thị phần dành cho các doanh nghiệp ngành gỗ nội địa. Do đó, tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át bởi sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất theo mẫu mã từ nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ chủ trương hỗ trợ tối đa giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và tạo đà phát triển. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn tài chính khác nhau hoặc có thêm những sự lựa chọn phù hợp với điều kiện và năng lực của doanh nghiệp. Qua đó, gia tăng đầu tư cho hệ thống nhà xưởng, công nghệ sản xuất; tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, để có thể được hưởng mức lãi suất phù hợp hay nói cách khác là chi phí vốn phải chăng vẫn còn là trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp ngành gỗ.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long – Bình Dương. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Liên quan tới chi phí vốn, ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất với quy mô gia đình, vốn ít, nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thị trường và kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, chi phí đầu vào trong sản xuất tăng nhanh, lãi suất vẫn còn cao, việc tiếp cận vốn vay của các ngân hàng còn nhiều khó khăn. Chính vì những hạn chế này có thể dẫn tới nguy cơ tụt hậu của ngành gỗ Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Để có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để giúp các doanh nghiệp ngành gỗ giữ vững thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.
Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia thuộc Tổ chức Forest Trend khuyến nghị, Chính phủ có thể thực hiện trợ cấp về nghiên cứu, đào tạo, cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. Cùng với đó, có thể hỗ trợ cụ thể tới các doanh nghiệp ngành gỗ thông qua quỹ hỗ trợ; cho doanh nghiệp vay để cải tiến công nghệ sản xuất, khuyến khích và tạo chuỗi liên kết giữa khâu trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ để thay đổi chất lượng sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong tương lai.
Bày tỏ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Phùng Quốc Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng cho biết, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện rất yếu và nhiều khó khăn. Không chỉ là thiếu nguồn vốn mà nhiều doanh nghiệp còn bị hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, ảnh hưởng tới nguồn tài chính và hoạt động sản xuất. Do đó, phải tăng thêm chi phí nên cuối cùng giá thành sản phẩm cao rất khó có thể cạnh tranh. Trong khi đó, hiện nay hơn 70% các doanh nghiệp ngành gỗ là làm gia công, sản xuất theo mẫu thiết kế của khách hàng. Số doanh nghiệp tự thiết kế, sáng tạo ra các mẫu mã mới, tự chào hàng bán rất ít.
Ông Mẫn cũng kiến nghị, các ngân hàng cũng nên xem xét chính sách ưu đãi lãi suất đối với những chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy mặt bằng lãi suất đã có sự điều chỉnh, song hiện còn ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Điều đó, đặt ra thách thức cạnh tranh khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ còn loay hoay với chuyện có nên tăng đầu tư hay không vào công nghệ máy móc...
Tương tự, ông Phạm Trung Trực, Giám đốc Công ty cổ phần 27/7 Hải Hậu cho biết từ mục tiêu mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ, đến nay công ty buộc phải tập trung vào thị trường nội địa để đảm bảo “được đồng nào chắc đồng ấy”, tránh gặp phải rủi ro phát sinh trong hoạt động xuất khẩu. Khó khăn nổi cộm nhất mà nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thuộc diện nhỏ và vừa luôn phải đối mặt hiện nay đó là thiếu vốn.