Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo.
Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thi hành án tại thành phố về việc chỉ chiếm từ 10 - 15% cả nước, tuy nhiên về giá trị tiền thì chiếm từ 34 - 48% giá trị thi hành của cả nước. Kết quả thu hồi trong những năm qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do giai đoạn điều tra, truy tố xét xử kéo dài, tính chất pháp lý chưa làm rõ, những đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thi hành án, thẩm định giá bất động sản; nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý tài sản thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.
Trước yêu cầu thực tiễn, sau hơn 16 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Theo dự thảo tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Quang cảnh Hội thảo.
Theo thống kê từ Tổng cục Thi hành án dân sự, tỷ lệ thi hành án thành công tăng từ 38,31% năm 2017 lên 51,84% năm 2024, trong bối cảnh số tiền phải thi hành án năm sau cao hơn năm trước; chỉ trong 7 năm, con số này tăng gấp 3 lần, từ 164.000 tỉ đồng năm 2017 lên 500.000 tỉ đồng năm 2024. Dù vậy, công tác thi hành án dân sự trên thực tiễn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn, rải rác ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp.
Nhiều trường hợp đến giai đoạn thi hành án thì xuất hiện các vấn đề pháp lý phát sinh, cần phải xác minh, làm rõ và giải quyết trước khi xử lý; nhiều tài sản xử lý là dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định… Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án lớn, dù đã tuyên án nhiều năm những vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Từ góc độ chuyên môn pháp lý, luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định, hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định tài sản, số tiền tham nhũng hoặc hậu quả thiệt hại của vụ án, giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự. Tuy nhiên trong nhiều vụ án, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản bị kéo dài, phải giám định bổ sung hoặc giám định lại nên việc xác định đúng số tiền bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại gặp nhiều khó khăn. Một số vụ án có nhiều tài sản, cổ phần, cổ phiếu không được định giá trong Tố tụng hình sự hoặc do chưa hoàn thiện về pháp lý nên bị quy giá trị về bằng “0”, gây khó khăn trong quá trình thi hành án.
Ông Phan Trung Hoài đề xuất cần xem xét và có cơ chế thống nhất xử lý đối với các tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý, quyền tài sản liên quan đến cổ phần, cổ phiếu, đảm bảo việc định giá tài sản theo các căn cứ và phương pháp phù hợp quy định của pháp luật và giá cả thị trường nhằm thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả vụ án.
Luật sư Lê Văn Hoan, Giám đốc Công ty Luật Lê Văn cho biết, hiện nay pháp luật về thi hành án, bán đấu giá tài sản đã được hoàn thiện hơn rất nhiều nhưng cũng chưa hẳn là không còn hạn chế, bất cập. Đối với tài sản mà trước đây doanh nghiệp thế chấp, Tòa án và Thi hành án giao cho Ngân hàng xử lý đã khó, những tài sản chưa đảm bảo pháp lý giao cho doanh nghiệp thu hồi còn khó hơn gấp nhiều lần, quan trọng là không có cơ chế để thu hồi số tiền này nếu doanh nghiệp không hợp tác.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung như: mua tài sản thi hành án, những lưu ý để tránh các rủi ro và cơ chế bảo vệ người mua trúng đấu giá, nhất là bất động sản trong các vụ án kinh tế (phương pháp định giá, thời điểm định giá tài sản...).