Qua rà soát của Bộ Tư pháp, quá trình thi hành Luật THADS đến nay còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Số lượng vụ việc phải thi hành án có xu hướng ngày càng tăng, giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp; nhiều vấn đề mới phát sinh đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế... Trong khi đó, bộ máy, biên chế, nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm, phục vụ công tác quản lý và tổ chức THADS còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Sau 15 năm thi hành, một số quy định của Luật THADS đã bộc lộ những hạn chế nhất định, cần hoàn thiện quy định tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong THADS; tăng quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và thực hiện chủ trương về rút ngắn thời gian, giảm chi phí thi hành án. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật THADS (sửa đổi) là cần thiết.
Ngày 11/1/2024, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 03/TTr-BTP trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi), tập trung vào 5 nhóm chính sách, định hướng lớn.
Chính sách 1, phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS: Xác định rõ phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan THADS tổ chức thi hành; bổ sung phạm vi hoạt động của cơ quan THADS tạo đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan như Luật Thi hành án hình sự; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Trọng tài Thương mại... và cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong THADS đã được xác định tại Quy định số 132-QĐ/TW.
Chính sách 2, hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác: Thể chế hóa đầy đủ, phù hợp các quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án; người được thi hành án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động THADS. Người được THADS có quyền và nghĩa vụ chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS; cơ quan THADS có trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng chính sách trong xác minh điều kiện thi hành án. Hoàn thiện cơ chế người phải thi hành án phải có trách nhiệm thi hành đối với toàn bộ tài sản của mình; quy định cụ thể về thủ tục để thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và chế tài nếu không thực hiện hoặc kê khai gian dối, chống đối, cản trở việc thi hành án.
Chính sách 3, hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan THADS, đảm bảo tính kế thừa, phát huy những ưu điểm cơ bản của mô hình hiện tại, hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp, tổ chức hợp lý các cơ quan THADS cấp huyện có số việc và tiền phải thi hành ít, phù hợp chủ trương xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bổ sung thẩm quyền thi hành án của cơ quan quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng. Xác định đúng vai trò của Chấp hành viên là đầu mối, chủ trì thực hiện các trình tự, thủ tục THADS; kết nối các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm tổ chức thi hành án hiệu quả. Quy định chặt chẽ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS; đảm bảo tính độc lập, chủ động của Chấp hành viên trong thi hành án; thể chế hóa Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong THADS, nhất là các trình tự, thủ tục, giai đoạn dễ xảy ra sai sót, vi phạm khó khắc phục. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát hoạt động, kiểm soát quyền lực trong suốt quá trình THADS. Hoàn thiện cơ chế pháp lý để Tòa án thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong THADS. Quy định đầy đủ, đồng bộ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với các cơ quan khác có liên quan trong từng giai đoạn thi hành án, tạo cơ chế bảo đảm cho đương sự thực hiện các quyền của mình theo Luật THADS.
Chính sách 4, hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS: Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án; đơn giản hoá thủ tục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, tập trung hoàn thiện quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời; biện pháp cưỡng chế THADS; trình tự, thủ tục xử lý đối với những tài sản đặc thù; đấu giá tài sản THADS; buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định; cơ chế kết thúc việc thi hành án; giảm thiểu các chi phí do ngân sách nhà nước phải chi trả, phù hợp với nguyên tắc đương sự tự chịu trách nhiệm trong quan hệ dân sự. Quy định rõ quy trình, thủ tục thi hành đối với từng loại bản án, quyết định được giao cho cơ quan THADS thi hành, khắc phục cơ bản những bất cập hiện nay.
Chính sách 5, Tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động THADS: Đảm bảo nguồn nhân lực của Hệ thống THADS đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tương ứng, đồng bộ với các cơ quan tố tụng. Quy định các nguyên tắc để đảm bảo nguồn lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trụ sở, kho vật chứng cho cơ quan THADS.