Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là một bước ngoặt, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về chất của mỗi cơ quan báo chí và tiếp nhận của công chúng, đồng thời cũng đem đến nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp xử lý, thích ứng từ góc độ quản lý của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí. Các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà báo là những kinh nghiệm quý báu để Bộ Tư pháp tiếp thu, tham khảo phục vụ việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số báo chí của Bộ và triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là việc của mỗi cơ quan báo chí. Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành báo chí; mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp đúng trọng tâm.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong đó quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai công tác này.
Về đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số, bà Đặng Thị Phương Thảo lưu ý, cần quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đảm bảo tối ưu hóa hoạt động sản xuất và phân phối nội dung, hình thành giá trị, mô hình kinh doanh mới. Các cơ sở đào tạo cần cải tiến nội dung chương trình đào tạo, đưa nội dung đào tạo chuyển đổi số báo chí thành một nội dung bắt buộc, liên tục cập nhật kiến thức mới, liên thông với các chuyên gia công nghệ để đảm bảo nhân lực báo chí có chất lượng phục vụ sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, cách thức làm báo trên không gian số.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, thông tin kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị mình.
Tiến sỹ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng. Nhiều cơ quan báo chí đã sớm nhận thức đây là một cơ hội để phát triển và tích cực vào cuộc. Nhờ vậy có thể nói, công cuộc chuyển đổi số đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, bức tranh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí còn rất nhiều bất cập, tồn tại từ nhận thức về chuyển đổi số đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất... Không ít nhà quản lý báo chí, cơ quan báo chí chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này. Đây là những vấn đề cần khắc phục nhanh để công cuộc chuyển đổi số đạt hiệu quả như mong muốn.