Giám sát công tác thi hành án dân sự tại Đồng Nai

Ngày 17/12, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ tháng 10/2020 – 9/2024.

Chú thích ảnh
Ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai phát biểu tại buổi giám sát. 

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai, 4 năm qua, kết quả thi hành án dân sự về việc và tiền, ra quyết định thi hành án đều đạt kết quả tích cực. Trong đó, các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh đã ra quyết định thi hành án đúng thời hạn, quy định đối với 100% bản án.

Về thi hành án với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước, 4 năm qua có gần 56.200 việc, tương ứng số tiền hơn 770 tỷ đồng; đã thi hành xong trên 54.500 việc, nộp vào ngân sách Nhà nước gần 665 tỷ đồng. Với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, có gần 1.250 việc tương ứng số tiền trên 780 tỷ đồng; đã thi hành xong gần 230 việc với số tiền hơn 680 tỷ đồng. Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, có gần 320 việc, tương ứng số tiền gần 600 tỷ đồng. Hiện đã thi hành xong khoảng 160 việc với số tiền hơn 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, các cơ quan thi hành án dân sự tại Đồng Nai áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án gần 1.500 việc; bán đấu giá thành 70 việc với số tiền trên 380 tỷ đồng, đấu giá chưa thành 69 việc với số tiền gần 320 tỷ đồng; tiến hành hơn 70 cuộc tự kiểm tra, qua đó phát hiện nhiều vi phạm về thời hạn và thủ tục hành chính.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cho rằng, thời gian qua vẫn còn những thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án của các chấp hành viên. Có trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự phát sinh có chiều hướng tăng. Vụ việc thu hồi tiền, tài sản từ các vụ án về tham nhũng đạt thấp; vẫn còn tình trạng người phải thi hành án là cơ quan Nhà nước chưa chấp hành nghiêm các bản án.

Theo Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai, vướng mắc lớn nhất trong thi hành án là một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản (dự án chưa hoàn thiện hồ sơ theo pháp luật đầu tư và đất đai; tranh chấp khởi kiện phân chia tài sản chung; xử lý quyền sử dụng đất đảm bảo phù hợp quy hoạch). Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai kiến nghị ngành chức năng nâng cao trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh kiểm soát quy trình cho vay những khoản tiền có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; không để một số doanh nghiệp lợi dụng làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Cục Thi hành án Dân sự Đồng Nai phát biểu tại buổi giám sát.

Tại buổi giám sát, các đại biểu Quốc hội đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cung cấp thêm thông tin, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong thi hành án dân sự. Đặc biệt là làm rõ số liệu, nguyên nhân về số vụ việc chưa thi hành, còn tồn đọng; những vướng mắc trong thi hành án đối với nợ của các tổ chức tín dụng; nguyên nhân số việc phải cưỡng chế tăng, nhiều việc bán đấu giá chưa thành. Tại Đồng Nai có những vụ việc thi hành án kéo dài nhiều năm, trong khi có vụ việc thi hành án rất nhanh. Một số vụ việc kéo dài, khi chuẩn bị thi hành án lại có đơn thụ lý của tòa án, việc thi hành án vì thế phải tạm ngưng. 

Kết luận buổi giám sát, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá, số vụ việc thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh chưa giải quyết rất lớn, đồng nghĩa việc pháp luật chưa được thực thi. Thi hành án dân sự là vấn đề vô cùng phức tạp, liên quan nhiều yếu tố, do đó cơ quan thi hành án cần áp dụng công nghệ trong quá trình thực hiện; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ chấp hành viên thi hành án. Ông Quản Minh Cường đề nghị, cơ quan thi hành án dân sự xử lý công tâm, thấu tình đạt lý, không để người dân thiệt hại khi xử lý các bản án hành chính.

Ông Quản Minh Cường cũng đặt vấn đề, tại Đồng Nai có vụ việc, sau nhiều năm mới có bản án và có hiệu lực pháp luật, nhưng ngay sau đó lại có đơn gửi lên tòa án kiện tranh chấp nên tòa quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện thi hành án. Do đó, cần làm rõ có hay không việc lạm dụng quy định để đình chỉ thi hành án. 

Theo ông Quản Minh Cường, qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai sẽ kiến nghị cơ quan Trung ương và ngành chức năng địa phương xử lý những vướng mắc, bất cập trong công tác thi hành án dân sự.

 

Bài, ảnh: Công Phong (TTXVN)
Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự
Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự

Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN