Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Biên giới quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 31/2023/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Chú thích ảnh
Lực lượng Biên phòng tại tỉnh Kon Tum tuần tra, quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Theo đó, Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Ủy ban Biên giới quốc gia có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền: Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; dự thảo điều ước quốc tế về hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới quốc gia trên đất liền; phân định biển và điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước; các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời và các vùng biển của Việt Nam với các nước láng giềng; xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo của Việt Nam.

Trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định Dự thảo thông tư và các văn bản khác về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ theo thẩm quyền. Tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia; điều ước quốc tế, văn kiện pháp lý biên giới mà Việt Nam ký kết, tham gia.

Nghiên cứu, đề xuất chủ trương ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ, các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước.

Tham mưu, đề xuất và tổ chức đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc phân giới, cắm mốc quốc giới trên cơ sở các điều ước quốc tế về biên giới được ký kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng...

Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia gồm: Vụ Biên giới đất liền; Vụ Biển; Vụ Chính sách, Pháp lý và Thông tin; Văn phòng.

Việc ban hành Quy chế làm việc, các quyết định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị trực thuộc Ủy ban Biên giới quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ủy ban Biên giới quốc gia có Chủ nhiệm và không quá 04 Phó Chủ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phân công một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban Biên giới quốc gia.

TTXVN/Báo Tin tức
Đắk Lắk: Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia
Đắk Lắk: Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia

Ngày 27/7, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN