Chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam

Ngày 4/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo “Chuẩn bị Diễn đàn cấp cao về việc triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam”.

Hiệp định Paris thực hiện Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Hiệp định Paris về Khí hậu) vừa được thông qua tại COP 21, Pháp, tạo bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.


Với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C, Hiệp định Paris về khí hậu yêu cầu các bên tham gia cam kết và không ngừng nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời cũng mang lại cơ hội cho các bên trong việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp, thúc đẩy tăng cường liên kết khu vực, hướng đến mô hình tăng trưởng phát thải ít các-bon ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.


Người dân xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tưới nước cứu đậu khỏi bị chết khô do hạn. Ảnh: Tràng Dương-TTXVN.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về khí hậu, Việt Nam cần tập trung xem xét chuyển đổi mô hình tăng trưởng các-bon thấp, chống chịu cao, hướng tới mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Hiệp định Paris về khí hậu, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.


Đồng thời thực hiện các yêu cầu về tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp; thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo…


Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam cho biết,Hiệp định Paris có ý nghĩa quan trọng trong thích ứng biến đổi khí hậu. Nó bao gồm cơ chế xác định giá trị của tổn thất và thiệt hại để Việt Nam có thể giải quyết các rủi ro khí hậu và những ảnh hưởng vượt ra ngoài những nỗ lực thích ứng. Gần đây, Việt Nam đang phải chịu sự xâm nhập mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở một số vùng miền, ví dụ như ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và sinh kế của người dân. Với những dự liệu trước về tổn thất và thiệt hại ví dụ như cơ chế bảo hiểm, các cộng đồng dễ bị tổn thương và Chính phủ có thể tiếp cận các nguồn tài chính bên ngoài cho việc tái thiết và phục hồi.


“Thích ứng biến đổi khí hậu đòi hỏi sự phối hợp giữa các tỉnh và quy hoạch tổng thể theo vùng để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và khu vực Tây Nguyên ở Việt Nam hiện nay”, bà Louise Chamberlain nhấn mạnh.


Cùng với đó, để huy động và quản lý hiệu quả tài chính quốc tế và quốc gia cho các hoạt động biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có một khung pháp lý toàn diện và chính sách ủy thác. Tăng cường năng lực thể chế, bao gồm các dự án phát triển, việc lựa chọn và thực hiện là điều cần thiết để huy động tài chính quốc tế...



Thu Trang
Xen canh để thích ứng biến đổi khí hậu
Xen canh để thích ứng biến đổi khí hậu

Các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai đã tuyên truyền, vận động các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê mở rộng việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm như sầu riêng, bơ, mít, hồ tiêu… trong vườn cà phê để không những thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giảm được số lần tưới nước vào mùa khô, tăng thêm thu nhập trên từng đơn vị diện tích so với trồng thuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN