Chủ tịch nước dự khai mạc Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Đại hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhiệm kỳ 2014- 2019 đã khai mạc với gần 500 đại biểu đại diện cho 2.000 hội viên và giới sân khấu cả nước về dự. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và phát biểu tại Đại hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc mừng các đại biểu và giới sân khấu cả nước, Chủ tịch nước bày tỏ, nghệ thuật sân khấu có vai trò quan trọng trong nền văn hóa dân tộc. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đề cao vai trò của nghệ thuật sân khấu. Trong tiến trình chấn hưng nghệ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các nền sân khấu của thế giới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có những đóng góp đáng trân trọng.

Chủ tịch khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động: tổ chức các trại sáng tác; đi thực tế; liên hoan các loại hình sân khấu; nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình; chăm lo công tác hội viên; biểu diễn phục vụ nhân dân và lực lượng vũ trang; tăng cường giao lưu quốc tế. Cùng với xây dựng nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, Hội đã quan tâm các nghệ sĩ cao tuổi, chăm lo cho các nghệ sĩ trẻ thông qua việc tổ chức nhiều trại sáng tác, chủ động tổ chức giao lưu quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các nước có nền sân khấu phát triển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Nguyễn Khang–TTXVN


Chủ tịch nêu rõ, bên cạnh nỗ lực và kết quả, hoạt động của Hội vẫn còn những hạn chế. Không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống. Các tác phẩm sân khấu về đề tài đương đại chưa nhiều. Sân khấu đang chạy theo hướng giải trí tầm thường, thiếu tính giáo dục. Tình trạng nghiệp dư hoá hoạt động sân khấu đang có chiều hướng gia tăng. Công tác lý luận phê bình về sân khấu chậm đổi mới. Nhiều tác phẩm sân khấu truyền thống kinh điển có nguy cơ thất truyền. Lực lượng trẻ kế cận trên lĩnh vực sân khấu truyền thống đang hẫng hụt.

Chủ tịch nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để sân khấu phát triển và các nghệ sĩ sân khấu phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội; đồng thời, mong muốn và tin tưởng giới sân khấu và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt trách nhiệm. Chủ tịch đề nghị, sau Đại hội, các cấp hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành chức năng, các cơ sở đào tạo… để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tạo điều kiện để nghệ sĩ tập trung công sức, trí lực cho lao động sáng tạo.

Chủ tịch căn dặn, giới nghệ sĩ bám sát các định hướng văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, để đóng góp trí tuệ xây dựng, hoàn thiện các văn kiện của Đại hội, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển, xây dựng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trở thành mái nhà chung, nơi quy tụ các nghệ sĩ cống hiến hết mình cho sự nghiệp lao động sáng tạo trên lĩnh vực sân khấu.

Trong 2 ngày 17- 18/12, các đại biểu dự Đại hội sẽ thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VII và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Báo cáo Kiểm điểm cuả Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ VII; Báo cáo của Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ VII…

Trong nhiệm kỳ 2014- 2019, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tập trung xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ sân khấu có năng lực, đầu tư sáng tạo các tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Hội cũng tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình nghệ thuật về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử, dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước; đổi mới hoạt động nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động hiệu quả; quan tâm nhiều hơn đến các đơn vị, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực sân khấu không chuyên, đang gìn giữ bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống ở các vùng, miền có yếu tố đặc trưng…

Cùng với mở các trại sáng tác; đầu tư các tác phẩm hướng vào cuộc vận động sáng tác “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đề tài chiến tranh cách mạng, biển đảo, sân khấu thiếu nhi… Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện và thực hiện chế độ chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy năng lực sáng tác; quảng bá nghệ thuật sân khấu; phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu. Hội đã xây dựng thành công đề án "Liên hoan quốc tế về sân khấu thử nghiệm" đã được Chính phủ đồng ý và tổ chức định kỳ 3 năm một lần để giao lưu hội nhập sân khấu quốc tế.


Hoàng Giang-Mỹ Bình (TTXVN)

Tạo cơ chế, chính sách cho nghệ sĩ cống hiến
Tạo cơ chế, chính sách cho nghệ sĩ cống hiến

Ngày 16/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật đoàn đại biểu nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhân dịp đoàn về dự Đại hội Đại biểu Hội Nghệ sĩ Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2014 - 2019), tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN