Trình bày Tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết thêm, hiện nay, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng và vận hành Tòa án thông minh.
Bên cạnh đó, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng. Điều này đòi hỏi phải sớm có giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả, đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định. Vì vậy, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến với các lý do như đã nêu trong văn bản của Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thường trực Ủy ban Tư pháp còn 2 loại ý kiến: đa số ý kiến tán thành với Tòa án nhân dân tối cao; có ý kiến cho rằng, để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).
Qua thảo luận, các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến pháp luật, quyền công dân, do đó, cần làm rõ khái niệm phiên tòa trực tuyến, cơ sở pháp lý thực hiện, kinh nghiệm quốc tế và nên được triển khai thận trọng, chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải cho rằng, mặc dù không trái với quy định pháp luật, song đây là nội dung mới, chưa được luật hóa, do đó, để việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo chặt chẽ, cần được trình Bộ Chính trị cho ý kiến và Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương thực hiện.
Làm rõ những băn khoăn của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, phiên tòa trực tuyến là một xu thế chung của thế giới, nhiều nước đã áp dụng. Với Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng khiến nhiều vụ án chưa thể đưa ra xét xử, từ đó thúc đẩy tiến trình thực hiện xét xử trực tuyến.
Chánh án Tòa án nhân tối cao cho biết, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử và giải quyết các vụ án bằng phương thức trực tuyến. Tại phiên họp thứ 13, ngày 26/8/2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận đồng ý với đề xuất và giao cho Tòa án nhân dân tối cao chủ trì xây dựng hướng dẫn tổ chức xét xử trực tuyến, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động của Tòa án nhân tối cao đã báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương thực hiện hình thức phiên tòa trực tuyến.
Dẫn các quy định của pháp luật về tố tụng, trong đó mới chỉ quy định hình thức xét xử là trực tiếp bằng lời nói, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, xét xử trực tuyến chưa được pháp luật quy định. Từ thực tiễn nhiều nước đã thực hiện xét xử trực tuyến và thực tế dịch COVID-19 ảnh hưởng khiến nhiều hoạt động vốn trước đây diễn ra dưới hình thức trực tiếp nay phải chuyển sang hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến, việc Tòa án áp dụng xét xử trực tuyến là không trái với quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Để việc thực hiện phiên tòa trực tuyến đảm bảo chặt chẽ về pháp lý cũng như quyền công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan hữu quan của Quốc hội chuẩn bị dự thảo Tờ trình của Đảng Đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị cũng như dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường Quốc hội trình Quốc hội xem xét quyết định.