Liên quan đến chính sách phát triển đường sắt, các đại biểu cho rằng với địa hình trải dài Bắc - Nam, Việt Nam cần có tuyến đường sắt để vận chuyển khối lượng lớn siêu trường, siêu trọng, an toàn, thân thiện môi trường để phát huy hiệu quả hệ thống giao thông vận tải thống nhất toàn quốc, nâng cao năng lực cạnh trang quốc gia. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), cần có chính sách phát triển và lộ trình thực hiện đường sắt tốc độ cao. Quốc hội cần bố trí một khoản nhỏ trong gói 8.000 tỷ nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để sau năm 2020 có điều kiện phát triển, triển khai dự án; có biện pháp giữ quỹ đất để xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sau này. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề nhức nhối khi quỹ đất đường sắt Việt Nam bị ''chia năm, xẻ bảy'' bởi nhiều lý do; cần đổi mới quyết liệt mục tiêu phát triển đường sắt, hướng ra cơ chế thị trường, tăng cường quản lý Nhà nước sản xuất kinh doanh, có lộ trình kinh doanh hạ tầng.
Cùng quan điểm ủng hộ việc phát triển đường sắt tốc độ cao, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh: cần bổ sung các quy định để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này. Có tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tận dụng được lợi thế giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế và hội nhập. Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sản sinh ra tiền, trợ giúp ngành Giao thông Vận tải, tạo diện mạo mới cho 21 địa phương nơi tuyến đường đi qua. Nếu tận dụng hết tiềm năng, dự án này mang lại sẽ không phải vay vốn.
Đại biểu đề xuất Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, để Chính phủ có thể xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga hành khách nơi tuyến đường sắt đi qua, đồng thời xây dựng ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga này. Tiền thu được sau khi bán đất nền thổ cư của các khu đô thị, tiền cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại này sẽ dành vào dự án, trong đó trích một phần cho địa phương để phát triển hạ tầng xã hội. Nếu thực hiện như vậy, dự án sẽ không phải vay vốn, chọn được công nghệ phù hợp. Sau này người dân, doanh nghiệp cũng được sử dụng tuyến đường sắt tốc độ cao, với chi phí thấp do Nhà nước đầu tư.
Đại biểu nhấn mạnh ngành công nghiệp đường sắt phát triển, yếu tố quan trọng là cần đầu ra tương đối lớn cho ngành công nghiệp đường sắt. Theo quy hoạch đến 2020 tập trung đầu tư nâng cấp, từng bước cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đầu ra duy nhất khả thi cho ngành đường sắt trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm trong tổng số 80.000 tỷ đồng dự tính phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dành vốn cho một dự án trọng điểm đó cải tiến, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam. Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cấp năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước mà còn giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hóa tối đa tuyến đường sắt tốc độ cao, tiền đề tiến tới Việt Nam làm chủ công nghệ công trình giao thông đường sắt trong cả nước.
Quan tâm đến vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và vệ sinh môi trường trong hoạt động đường sắt, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng: Dự án Luật chỉ quy định chung chung về nội dung quản lý hoạt động đường sắt, ngoài ra không có nội dung nào nhằm tăng cường quản lý lĩnh vực bảo vệ môi trường đường sắt. Thực tế, vệ sinh môi trường ở khu vực đường sắt đi qua, xử lý chất thải, rác thải trên các chuyến tàu dài ngày Bắc -Nam chưa hợp lý, rác thải ra môi trường tùy tiện. Ai sẽ kiểm soát, xử lý vấn đề này và chất lượng dịch vụ vệ sinh, sinh hoạt ăn uống trên các chuyến tàu để nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng?. Vấn đề này cần được triển khai cụ thể trong Luật.
Giải trình về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật đường sắt, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu, từ đó cùng các cơ quan thẩm tra, xem xét quyết định những vẫn đề mà đại biểu quan tâm; đặc biệt là làm rõ thêm thẩm quyền quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với đường sắt; hoạt động kinh doanh đường sắt, thuế đất giành cho đường sắt, điều hành giao thông vận tải; phí và giá trong hoạt động kinh doanh đường sắt và những điều khoản chuyển tiếp từ Luật. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu thấu đáo và làm rõ hơn các quy định nhằm tạo đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội.
Góp phần thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hộiĐa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch, như thu hút đầu tư, cải cách hành chính theo lộ trình Chính phủ điện tử.
Băn khoăn về đối tượng áp dụng của Nghị quyết, đại biểu Hồ Văn Thái (An Giang), Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)... cho rằng việc áp dụng tất cả người nước ngoài được cấp thị thực là quá rộng. Đại biểu Hồ Văn Thái nêu rõ: Đây là vấn đề mới, chưa được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, nước ta chưa có kinh nghiệm, điều kiện nhân lực, vật lực và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công việc này. Nếu áp dụng rộng rãi sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến tình hình an ninh của đất nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định hẹp lại đối tượng, có thể ưu tiên đối với khách du lịch, khách tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam và một số nước truyền thống, một số quốc gia có ký kết quan hệ hợp tác với Việt Nam. Quy định như vậy bảo đảm tính thận trọng, chặt chẽ, phù hợp với quan điểm xây dựng Nghị quyết thực hiện thí điểm.
Một số ý kiến cũng nhất trí với quy định về thời gian miễn cấp thị thực trong 2 năm là hợp lý nhưng thời gian bắt đầu thực hiện từ 1/1/2017 là quá gấp, quá cận, trong khi đó vấn đề này là hoàn toàn mới mẻ, có liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, chuyên trách thực hiện công việc này chưa sẵn sàng. Các đại biểu đề nghị Quốc hội nên cân nhắc về thời gian bắt đầu thi hành cho phù hợp.
Ngoài ra, một số ý kiến các đại biểu cho rằng việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là vấn đề hệ trọng, liên quan đến an ninh quốc phòng quốc gia, vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần quy định chi tiết Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương quản lý tốt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đến, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ trong quá trình từ khi họ đến, lưu trú đến khi rời khỏi.
Về bảo đảm thông tin cá nhân và bảo mật thông tin quốc gia, trong thời gian qua đã có việc xâm nhập dữ liệu hàng không gây sự cố nhất định đến an ninh hàng không, thông tin rò rỉ, vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan cấp thị thực điện tử cần có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, tránh giảm thiểu các trường hợp hoạt động trái mục đích...
Giải trình thêm về nội dung Nghị quyết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Bộ Công an đã gửi báo cáo về một số vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết để các đại biểu Quốc hội xem xét. Theo đó, thực hiện quy trình cấp thị thực điện tử, Bộ Công an vẫn thực hiện việc xét duyệt nhân sự chủ động hơn. Một trong những biện pháp quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử khi chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam bảo lãnh là việc quy định thị thực điện tử không quá 30 ngày, có giá trị không quá 2 năm. Trong thời gian thực hiện thị thực điện tử ở Việt Nam 30 ngày, nếu có các cơ quan bảo lãnh, vẫn thực hiện theo quy định của Luật xuất nhập cảnh cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam. Trước đây, Luật không cho những người nước ngoài đó vào Việt Nam, nhằm thay đổi mục tiêu, sự điều chỉnh này cần thiết phải ban hành Nghị quyết.
Việc ban hành Nghị quyết này khắc phục Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp người nước ngoài có mong muốn vào Việt Nam nhưng không có tổ chức, cá nhân bảo lãnh, hoặc không quy định việc khai cấp thị thực điện tử vì hiện nay theo yêu cầu của đối xử đối đẳng ngoại giao với một số nước, Chính phủ đã trình Quốc hội cho kéo dài thời gian hơn so với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài ở Việt Nam.
Về an ninh an toàn mạng, để triển khai việc cấp thị thực điện tử, hệ thống trong đã được thực hiện từ nhiều năm nay, sẽ tiếp tục kiểm soát để bảo đảm an ninh an toàn. Việc xây dựng hệ thống hóa về cơ bản đã chủ động để bảo đảm triển khai từ 1/1/2017. Bộ Công an đã thực hiện áp dụng rất nhiều luật giao dịch điện tử. Về cơ sở hạ tầng, để bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết được thông qua, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, đảm bảo các cở hạ tầng về việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử chặt chẽ, an toàn, thống nhất. Bản chất của việc cấp thị thực điện tử vẫn theo đúng quy trình như cũ.
Đối với quan điểm để người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử sẽ gây khó khăn cho xử lý đối với trường hợp nhập cảnh sử dụng hộ chiếu ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, Bộ trưởng khẳng định: Bộ dự kiến mẫu thị thực điện tử tương tự như mẫu thị thực rời, đã dự thảo mẫu trình cùng với hồ sơ của dự thảo Nghị quyết. Khi cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài vào Việt Nam, không phát sinh vấn đề gì mới so với việc cấp thị thực thông thường hiện nay. Người sử dụng hộ chiếu khác có ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia không đóng dấu cho hộ chiếu đó...